Bạo loạn bùng lên, lãnh thổ Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp, cấm cả TikTok

Bạo loạn bùng lên, lãnh thổ Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp, cấm cả TikTok

17/05/2024 06:31 GMT+7

Pháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên đảo New Caledonia ở Thái Bình Dương vào hôm 15.5 sau khi ba thanh niên Kanak bản địa và một quan chức cảnh sát thiệt mạng trong cuộc bạo loạn liên quan đến cải cách bầu cử.

Pháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên lãnh thổ hải ngoại New Caledonia vào ngày 15.5.

Bạo loạn tại đây trong vài ngày qua đã dẫn đến cái chết của một số người Kanak bản địa và một quan chức cảnh sát chết vì vết thương do đạn bắn.

Tình trạng bất ổn xảy ra sau khi Paris thông qua những thay đổi mới về quy tắc bầu cử, cho phép cư dân Pháp đã sống ở New Caledonia 10 năm được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh. Động thái này khiến người Kanak bản địa lo ngại sẽ "pha loãng" phiếu bầu của họ.

Những hình ảnh các tòa nhà bị cháy và cửa hàng bị cướp phá ở thủ đô Noumea đã được anh Yoan Fleurot ghi lại hôm 16.5.

Doanh nhân 37 tuổi này cho biết anh đã phải vượt qua các điểm chặn đường trong vài ngày qua, tại đó có nhiều người có vũ trang, đe dọa đánh đập dân thường và đốt xe cộ.

Anh Fleurot cảm nhận rằng tình trạng bất ổn đang được kích động bởi các nhóm muốn đuổi cộng đồng không phải dân bản địa ra khỏi Caledonia.

Tình trạng khẩn cấp được công bố trong tuần này sẽ kéo dài 12 ngày, theo đó áp đặt lệnh giới nghiêm và cấm tụ tập nơi công cộng.

Pháp cũng sẽ gửi lực lượng cảnh sát tăng cường để củng cố lực lượng an ninh địa phương.

Quân đội Pháp cũng được lệnh giúp bảo đảm an ninh cho cảng và sân bay chính của New Caledonia.

Nhà chức trách cũng quyết định cấm ứng dụng video TikTok.

Chính phủ Pháp cho biết ứng dụng này đã giúp những kẻ bạo loạn tổ chức và khuếch đại sự hỗn loạn trong các cuộc bạo loạn trên đất Pháp vào mùa hè năm 2023, thu hút những kẻ gây rối xuống đường.

Cải cách bầu cử là điểm nóng mới nhất trong cuộc tranh cãi kéo dài nhiều thập niên qua về vai trò của Pháp tại hòn đảo giàu khoáng sản này.

New Caledonia, nằm cách Úc khoảng 1.440 km về phía đông ở tây nam Thái Bình Dương, là nơi sản xuất niken lớn thứ ba thế giới. Nơi đây từ lâu đã chịu tác động lớn từ các phong trào ủng hộ độc lập.

Pháp sáp nhập hòn đảo này vào năm 1853 và trao cho thuộc địa này quy chế lãnh thổ hải ngoại vào năm 1946.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.