Công tác xã hội trong trái tim tôi:

Trái tim của một... người cha

02/05/2024 13:02 GMT+7

Hình ảnh người cha mắt mờ, tóc bạc bế từng em bé cho uống sữa, thay bỉm đã trở nên thân thương tại Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần, P.Long Trường, TP.Thủ Đức (TP.HCM) suốt 12 năm nay.

Người tôi muốn nhắc đến ở đây là chú Bùi Công Hiệp, 67 tuổi, sáng lập mái ấm Thiên Thần, đã nhận nuôi vào bảo trợ 133 bé không nơi nương tựa. Không giống như nhiều người bắt đầu có tuổi khác, chú Hiệp không tìm cách nghỉ ngơi, an dưỡng mà chọn hoàn thành tâm nguyện lớn nhất của cuộc đời mình. Đó là, nuôi dưỡng các bé trưởng thành và trở thành người cha tử tế, cho dù 133 bé chẳng có em nào là máu mủ ruột rà.

Chú Hiệp (áo xanh lá cây) hạnh phúc khi được chăm sóc cho 133 bé

Chú Hiệp (áo xanh lá cây) hạnh phúc khi được chăm sóc cho 133 bé

NGUYỄN VĂN CÔNG

Chú Hiệp quê gốc ở tỉnh Bình Dương và sinh sống ở TP.HCM từ năm 1983. Chú cũng có một thời niên thiếu vất vả rồi đi bộ đội tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Sau khi xuất ngũ, chú làm đủ nghề để mưu sinh như: bảo vệ, xe ôm, phụ hồ… cuối cùng gắn bó và thành công trong nghề cơ khí. Khi lớn tuổi, chú Hiệp đã tính với cô Hoàng Lan (vợ chú) xây một căn nhà tại P.Long Trường để an dưỡng tuổi già. Tuy nhiên, khi nhà gần xây xong, chú đã nhận các bé về nuôi dưỡng, từ một bé đến năm rồi mười và giờ đã hơn trăm bé.

Phát động cuộc thi viết và ảnh “Công tác xã hội trong trái tim tôi”

Mời tham gia cuộc thi viết và thi ảnh "Công tác xã hội trong trái tim tôi" do Báo và Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên VN phát động, để tôn vinh, ca ngợi về ngành công tác xã hội, lan tỏa hình ảnh về những tấm gương đang làm công tác xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm công tác xã hội và các nhân viên công tác xã hội tại cộng đồng...

Cuộc thi bắt đầu từ ngày 12.4 - 31.7.2024. Mời bạn đọc tham gia cuộc thi để có cơ hội nhận được những phần thưởng giá trị. Trong đó: Cuộc thi viết: 1 giải nhất (15 triệu đồng); 2 giải nhì (8 triệu đồng/giải); 3 giải ba (6 triệu đồng/giải); 5 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải); 1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (gồm lượt xem và lượt thích trên nền tảng Thanh Niên Online): 5 triệu đồng. Cuộc thi ảnh online: 1 giải nhất (15 triệu đồng); 1 giải nhì (8 triệu đồng); 1 giải ba (6 triệu đồng); 3 giải khuyến khích (3 triệu đồng/giải); 1 giải ảnh dự thi được bạn đọc yêu thích (gồm lượt xem và lượt thích trên nền tảng Thanh Niên Online): 5 triệu đồng. Thông tin chi tiết xem tại thanhnien.vn.

Chú kể rằng ngay lúc mang bé đầu tiên về nuôi vợ và 2 con chú không đồng ý. Vợ chú nói: "Bản thân ông ngày xưa không chăm sóc được 2 con đẻ ngày nào mà bây giờ còn nhận nuôi các bé, liệu có lo được không? Nếu ông làm không đến nơi đến chốn có thể sẽ mang tội". Vợ chú còn thử thách chú một thời gian xem liệu có làm nổi không, hay gặp khó lại thôi. Nhưng chú vẫn quyết tâm làm bằng được, vì đó là tâm nguyện của chú. Chú học cách chăm trẻ sơ sinh, cho bú bình, thay tã, ru ngủ, nấu ăn… đến khi cô nhà thấy chú làm ổn thì xuôi lòng, chung tay cùng lo cho các bé.

"Khi mới thành lập, tôi với bà xã dự định chỉ nhận nuôi khoảng 10 bé thôi nhưng có bà mẹ mang con đến đây nói rằng: "Nếu ở đây không nhận sẽ để lại trước cổng". Tôi nhận nuôi các bé tới tuổi trưởng thành và người mẹ có thể quay lại nhận con. Người mẹ trẻ có thể tạm thời không nuôi con được nhưng họ không muốn bỏ con, đó là tình mẫu tử. Sau này, tôi hy vọng các bé sẽ được đoàn tụ với mẹ", chú Hiệp nói.

Chú Hiệp rèn luyện các bé giống như trong môi trường quân ngũ

Chú Hiệp rèn luyện các bé giống như trong môi trường quân ngũ

NGUYỄN VĂN CÔNG

Hằng ngày, các bé ở đây được vợ chồng chú Hiệp, cũng như các bảo mẫu lo cho bữa ăn, giấc ngủ. Khi mới đưa về, có những bé rất yếu nhưng rồi đã phát triển khỏe mạnh trong sự yêu thương nồng ấm của chú Hiệp.

"Có bé vào mái ấm khi mới 2 – 3 ngày tuổi, có cả những cặp sinh đôi. Chăm sóc các bé đôi khi cũng vất vả nhưng sự khoẻ mạnh, khôn lớn của chúng tạo cho tôi năng lượng tích cực, lạc quan vượt qua bệnh tật, căng thẳng", chú Hiệp chia sẻ.

Về mặt kinh nghiệm chăm sóc các bé, chú Hiệp rất yên tâm vì có một số cô bảo mẫu rất giỏi và yêu trẻ đã đồng hành cùng chú suốt 12 năm nay. Chú Hiệp quy định tuyệt đối không dùng lời lẽ nặng nề, không la mắng với các bé. Ở mái ấm, chỉ có chú chịu trách nhiệm về mặt kỷ luật các bé, kể cả bà xã của chú cũng không được làm điều này.

Các bảo mẫu ở trung tâm được chú Hiệp trả lương, tuy không cao so với mặt bằng chung nhưng nhiều người vẫn gắn bó. Chú bảo, để theo được công việc bảo mẫu tại đây phải có tình yêu thương mãnh liệt với các bé nên chú rất trân trọng các cô bảo mẫu đã gắn bó với mình trong suốt nhiều năm qua.

Ngôi nhà nhỏ ngập tràn tình yêu thương của vợ chồng chú Hiệp cùng 15 bảo mẫu ngày ngày đều đặn khấp khởi tiếng cười nói, vui đùa của 133 bé từ sơ sinh đến 18 tuổi. Không chỉ lo ăn học, chú Hiệp còn trang bị kỹ năng sống, rèn luyện các bé theo môi trường quân ngũ. Cụ thể, các bé được học bơi, các môn nghệ thuật và đặc biệt dạy các bé sau này trở thành người tử tế, bao dung và nghĩa tình như đúng giá trị của con người TP.HCM.

Năm ngoái, cả gia đình đã đồng thuận sang tên 2.500 m2 đất ở trung tâm và căn nhà 3 tầng (trị giá trên 100 tỉ đồng) cho các bé để sau này các bé ra đời lập nghiệp, có gia đình. Trong trường hợp thất bại, không nơi nương tựa thì có thể quay về, vì đây là nhà. Mới đây, gia đình chú Hiệp còn mua thêm 10 hecta đất rừng ở tỉnh Lâm Đồng để làm nơi sinh hoạt ngoại khoá cho các bé vào dịp cuối tuần.

"Đối với gia đình tôi, đây là các con của chúng tôi không phải trẻ mồ côi, không phải người dưng. Gọi là cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần nhưng chỉ trên giấy tờ, vì tôi chẳng bao giờ xem nơi này là một cơ sở nuôi trẻ mồ côi cả, mà đây là ngôi nhà của các thiên thần bé nhỏ và đáng yêu", chú Hiệp nghẹn ngào chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.