Việt Nam đi lối nào trong ngành công nghiệp bán dẫn?

24/04/2024 15:41 GMT+7

Chiều 24.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn chiều 24.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới phân bố và phát triển không đều, tập trung tại một số nền kinh tế như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị nhân lực ngành bán dẫn

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị nhân lực ngành bán dẫn

NHẬT BẮC

Dù vậy, công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Thủ tướng, nhân lực là một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.

Đây là lý do từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", với mục tiêu đào tạo 50.000 - 100.000 kỹ sư bán dẫn.

Gợi ý cách làm, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trên nền tảng phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin đã có, Việt Nam có thể dịch chuyển chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, điện tử sang lĩnh vực bán dẫn. Hình thành thêm một số khoa tại các cơ sở đào tạo, một số phòng tại các đơn vị nghiên cứu...

Các nước rót hàng trăm tỉ USD đầu tư cho bán dẫn

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 20 năm qua, công nghiệp bán dẫn đã tăng trưởng nhanh và tác động lớn. Từ năm 2001 - 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỉ USD tính đến năm 2023 và kỳ vọng đạt đến 1.000 tỉ USD vào năm 2030.

Khẳng định Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp bán dẫn, lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho biết có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)...

"Việt Nam đang có cơ hội "nghìn năm có một" để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu", Bộ trưởng Dũng nói. Cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

NHẬT BẮC

Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Với nguồn cung lao động dồi dào và lực lượng lao động có chất lượng, nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới.

Đề án phát triển nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 tầm nhìn 2045 đã xác định, đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Trong đó, có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn; tối thiểu 5.000 kỹ sư trong số đó có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo. Khoảng 1.300 giảng viên có trình độ quốc tế.

Theo Bộ trưởng Dũng, với Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT…, mỗi trường đang có khoảng 3.000 - 6.000 sinh viên ngành phù hợp tốt nghiệp hàng năm, thì con số 50.000 kỹ sư đến năm 2030 hoàn toàn khả thi, thậm chí còn có thể đào tạo được nhiều hơn.

Ngoài ra, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng phổ biến và xu thế chung với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn như NVIDIA, Google, Meta, Apple, Microsoft… Vì vậy, trong số 50.000 kỹ sư cần có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ chuyên môn sâu về AI.

Nhiều quốc gia, nền kinh tế trên thế giới đều mong muốn tham gia và có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho bán dẫn. Singapore đã công bố "Bản đồ chuyển đổi ngành điện tử" để đầu tư hơn 19 tỉ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn trong 5 năm. Hàn Quốc công bố chiến lược "Vành đai chip bán dẫn" với kế hoạch chi tiêu 450 tỉ USD trong 10 năm.

Ấn Độ đã công bố sáng kiến "Nhiệm vụ công nghiệp bán dẫn Ấn Độ" với 9,1 tỉ USD, hỗ trợ lên đến 50% chi phí. Mỹ ban hành Đạo luật CHIPS để cung cấp 52 tỉ USD hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Trung Quốc đầu tư một khoản tiền khổng lồ 120 - 150 tỉ USD vào nền công nghiệp bán dẫn từ năm 2014.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.