Vì sao 'thành phố bọt biển' Trung Quốc bị mưa lũ khuất phục?

Khánh Như
Khánh Như
09/08/2023 11:40 GMT+7

Mặc dù được đánh giá cao khi vừa được công bố, mô hình "thành phố bọt biển" của Trung Quốc đang để lộ nhiều vấn đề.

Trong nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các bước để giảm nguy cơ lũ lụt đô thị. Vào năm 2015, nước này đã đưa ra kế hoạch xây dựng các "thành phố bọt biển" có thể giữ lại và tái sử dụng 70% lượng mưa, theo hãng tin Bloomberg.

Thành phố bọt biển

Ý tưởng về mô hình này rất đơn giản: Sử dụng các khu vườn trên mái nhà, vỉa hè có thể thấm nước, bể chứa ngầm và những vật chứa tương tự, hoạt động như miếng bọt biển để hấp thụ lượng mưa lớn và sau đó từ từ thải ra sông hoặc hồ chứa.

Sáng kiến thành phố bọt biển của Trung Quốc có thực sự hiệu quả?

Kể từ đó, khoảng 30 thành phố, bao gồm Bắc Kinh, đã thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau để giảm thiểu lũ lụt, chẳng hạn như sử dụng vật liệu thấm nước cho đường và vỉa hè, khôi phục vùng đất ngập nước và tuyến đường thủy tự nhiên, đồng thời tạo thêm không gian xanh.

Tuy nhiên, số người chết gia tăng trong các đợt lũ tuần trước đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiệu quả của chiến thuật này có phù hợp với mục đích hay không khi nhiệt độ toàn cầu tăng cao làm gia tăng các trận mưa lớn.

Bài học từ mô hình 'thành phố bọt biển' để ứng phó lũ lụt của Trung Quốc - Ảnh 1.

TP.Hình Đài hứng đợt mưa lớn vào tuần rồi

AFP

Tại sân bay Đại Hưng, trung tâm hàng không lớn ở ngoại ô Bắc Kinh, các bể chứa nước và hệ thống thoát nước được thiết kế để hấp thụ lượng nước mưa có thể lấp đầy khoảng 1.300 bể bơi thi đấu theo chuẩn thế vận hội Olympic. Nhưng tại cơ sở được coi là "sân bay bọt biển" đầu tiên trong cả nước Trung Quốc, một phần đường băng vẫn ngập nước khi thủ đô hứng chịu cơn mưa kỷ lục. Trong khi đó, ở tỉnh Hà Bắc lân cận, thành phố bọt biển Hình Đài cũng trở thành nạn nhân của lượng mưa lớn.

Sân bay Đại Hưng và Hình Đài không phải là những ví dụ duy nhất cho thấy cơ sở hạ tầng theo mô hình bọt biển vẫn không dễ dàng chống lại các tác động của thiên nhiên. Vào cuối thập niên trước, TP.Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) đã đầu tư 53,5 tỉ nhân dân tệ (177.000 tỉ đồng) để trang bị thêm cơ sở hạ tầng hiện có và biến mình thành một "miếng bọt biển". Tuy nhiên, vào năm 2021, một trận lũ lụt tàn phá thành phố đã khiến 380 người thiệt mạng và cuốn trôi tài sản trị giá khoảng 41 tỉ nhân dân tệ.

Vấn đề của mô hình theo kiểu bọt biển

Theo Tiến sĩ Li Zhao, nhà nghiên cứu tại tổ chức Hòa bình Xanh có trụ sở tại Bắc Kinh, các sự kiện thời tiết cực đoan hiện nay đã vượt quá xa so với những gì mà các hệ thống được thiết kế để đối phó, Bloomberg đưa tin.

Bài học từ mô hình 'thành phố bọt biển' để ứng phó lũ lụt của Trung Quốc - Ảnh 2.

Một con đường ngập nước sau mưa lũ ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) ngày 3.8

REUTERS

Tạp chí Nature dẫn lời Tiến sĩ Hongzhang Xu, nhà nghiên cứu về khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết vấn đề lớn với chiến lược "thành phố bọt biển" của Trung Quốc là nó không tính đến các sự kiện cực đoan và thảm họa như lũ quét.

Lũ lụt không phải là một vấn đề mới ở Trung Quốc, khi sự phát triển đô thị ngày càng gây căng thẳng cho việc quản lý bão. Để nâng cao hiệu quả của các "thành phố bọt biển", Tiến sĩ Xu đề xuất khôi phục các tuyến đường thủy bị bỏ hoang được xây dựng từ thời nhà Thanh để thoát lũ và chuyển hướng nước. Ông cho rằng chính quyền Trung Quốc cũng nên cải thiện các hệ thống cảnh báo để giảm thiểu thiệt hại.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nói rằng thiết kế đô thị vẫn là một vấn đề đặc biệt. "Điều đó có nghĩa là thiết kế đô thị đồng nhất hoặc '1 kích cỡ phù hợp cho tất cả' có thể không phù hợp với nhiều thành phố".

Còn chuyên gia Shao Sun, nhà khí hậu học tại Đại học California (Mỹ) nhận định một yếu tố dẫn đến tình trạng dễ bị lũ lụt gần đây của Bắc Kinh là sự phát triển nhanh chóng của nơi đây. Trong 3 thập niên qua, dân số thành phố đã tăng gần gấp 3 lần. Kết quả là một loạt tòa nhà, đường sá và cơ sở hạ tầng khác đã được bê tông hóa.

Do đó, chuyên gia Sun nói rằng hệ thống thoát nước đô thị ở Bắc Kinh và các thành phố khác ở Trung Quốc sẽ cần phải được cải thiện để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn khi biến đổi khí hậu gia tăng. Mặc dù đây sẽ là một thách thức lớn, nhưng ông tin rằng nếu xử lý được sẽ “làm giảm đáng kể nguy cơ ngập úng đô thị trong mùa mưa”. Ông nói thêm rằng các thành phố trên khắp Trung Quốc sẽ cần có các chiến lược quản lý lũ phù hợp.

Ông Ma Jun, Giám đốc Viện Các vấn đề Công cộng và Môi trường (Trung Quốc), cho biết chiến lược "thành phố bọt biển" rất hữu ích và nên được áp dụng rộng rãi hơn, mặc dù cách này là không đủ trong những trường hợp cực đoan.

Nature dẫn lời ông Jun nhận định, những dự án trong tương lai nên xem xét cách đối phó với mưa lớn và rút ra bài học từ các trận lũ lụt gần đây. "Ngay cả miếng bọt biển thật cũng có vấn đề về sức giữ nước".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.