Du học sinh, đường về nghiệt ngã...

19/12/2015 08:57 GMT+7

‘Du học không về là chảy máu cả tiền và chất xám’. Tôi tán đồng với quan điểm này và xin nói rõ thêm qua một số trường hợp cụ thể.

‘Du học không về là chảy máu cả tiền và chất xám’. Tôi tán đồng với quan điểm này và xin nói rõ thêm qua một số trường hợp cụ thể.

Lượng học sinh đổ ra nước ngoài du học ngày càng tăng, nhưng phần nhiều đều tìm cách ở lại sau khi học xong - (trong ảnh: một buổi  tư vấn du học Mỹ)Lượng học sinh đổ ra nước ngoài du học ngày càng tăng, nhưng phần nhiều đều tìm cách ở lại sau khi học xong - (trong ảnh: một buổi tư vấn du học Mỹ)
Chuyện của những quán quân Olympia ra đi không trở lại
12/13 quán quân của cuộc thi " Đường lên đỉnh Olympia" do VTV3 tổ chức được du học nước ngoài nhưng sau khi tốt nghiệp đã không về nước. Một con số nhức nhối. Tôi không trách các em bởi các em có quyền lựa chọn con đường mình đi.
Tình trạng xin việc phải có phong bì lót tay đang là căn bệnh trầm kha của xã hội. Người ta không cần nhân tài. Anh có tài nhưng muốn vào chỗ này, chỗ kia thì cũng phải có tài… chính, hay phải có thân, có thế. Rõ ràng, bạn trẻ nào có khát vọng cống hiến cho đất nước tất sẽ nản lòng.
Nói thế mới thấy xót xa số tiền ba tỉ USD mà người Việt bỏ ra hàng năm cho con em du học, con số tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu gạo hay tiền bán dầu thô của cả nước.
Vị Tiến sĩ với 5 bài viết trên báo quốc tế/năm vẫn lo trượt.. lao động tiên tiến cuối năm.
Xin kể về chuyện của Tiến sĩ N.T.A, một trong nhiều du học sinh được đưa vào cuốn sách "Tấm gương người làm khoa học" (tập 12), một câu chuyện khiến người ta phải suy nghĩ. N.T.A có khát vọng cống hiến cho đất nước, muốn trở về Tổ quốc sau gần chục năm du học ở Pháp và Mỹ, nhưng khi về làm việc trong nước lại cảm thấy có nhiều điều cay đắng.
Tiến sĩ N.T.A kể với tôi, anh đã chọn con đường trở về nước, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Pháp và sau tiến sĩ tại Mỹ. Khi làm việc ở nước ngoài, anh là nhà khoa học được đánh giá cao, còn khi về làm việc ở một viện nghiên cứu ở Việt Nam, với cùng một công việc nghiên cứu, cùng một số lượng bài báo công bố quốc tế, anh được đánh giá thậm chí không bằng cả những người mới ra trường, và suýt không nhận được danh hiệu lao đông tiên tiến, nếu như không có ý kiến của một cựu du học sinh khác trong cuộc họp Hội đồng thi đua. Sau này, chính anh cựu du học sinh này cũng đã xin chuyển cơ quan..
Anh bảo, năm nay anh cũng có 5 bài báo quốc tế, nhưng có đạt danh hiệu lao động tiên tiến hay không thì bây giờ cũng không dám chắc. Trong khi theo quy định mới, anh còn có thể bị xếp vào nhóm tinh giảm biên chế. Tính từ năm 2010 đến nay, Viện nghiên cứu nơi anh làm việc đã có 6 tiến sĩ tốt nghiệp tại nước ngoài thôi việc hay chuyển công tác (số lượng tiến sĩ của Viện nghiên cứu chỉ là 22 người vào năm 2010).
Anh nói: “Khi ở xa Tổ quốc, tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc nó mãnh liệt và thôi thúc chúng tôi lắm”. Nhưng nay thì anh đang trăn trở và cả hoài nghi về sự lựa chọn của mình. Người ta sẽ rất khó tin khi bạn quyết định rời bỏ một môi trường sống và làm việc tốt hơn, lương tháng trên 3000 usd để về nước nhận lương tháng 4-5 triệu đồng, chỉ bởi vì yêu Tổ quốc và muốn đóng góp những kiến thức đã tiếp thu cho công cuộc dựng xây đất nước.
Như vậy, cho dù vẫn có thể duy trì được nhịp làm việc chuyên môn so với khi làm việc ở nước ngoài, dù được làm việc ở một nơi được xem là có chuyên môn hàng đầu của đất nước, nhưng vẫn khiến vị tiến sĩ này trăn trở việc lựa chọn trở về nước làm việc sau thời gian du học. Còn bao nhiêu cựu du học sinh có cùng những trăn trở như anh? Đã tới lúc cần có những quyết sách căn bản, chiến lược trong sử dụng, khai thác kiến thức của các nhà khoa học nếu không muốn việc “chảy máu” chất xám tiếp diễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.