Thư viết tay vẫn tồn tại?

Thanh Nam
Thanh Nam
20/05/2024 15:25 GMT+7

Trong bài viết tham gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2024, Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9 ở TP.Đà Nẵng, đã khẳng định: "Khoa học dù phát triển đến đâu thì thư viết tay vẫn tồn tại". Bài viết này đã xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi.

Từ đây, nhiều người thắc mắc, có phải rằng khoa học dù phát triển đến đâu thì thư viết tay vẫn tồn tại hay không?

Thư viết tay ngày càng ít…

Theo anh Trần Mạnh Chí (35 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH Kỹ Thuật Tiêu Điểm, Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM, khoảng chục năm trước, khi mạng xã hội chưa phát triển và phổ biến như hiện nay, thì những lá thư viết tay chính là phương tiện để kết nối mọi người.

"Tôi đi học tại TP.HCM. Mỗi khi liên lạc với gia đình, tôi viết thư và đến bưu cục trên đường Lý Thái Tổ, Q.10, để gửi về quê ở Quảng Trị. Những lá thư viết tay trở nên quen thuộc vào thời điểm ấy. Còn giờ đây, thư viết tay ngày càng ít. Bởi lẽ, ngoài điện thoại để liên lạc, thì đa phần mọi người đều sử dụng Messenger, Zalo… để nhắn tin", anh Chí nói.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt Hân (32 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH giấy Phú Thịnh, Q.12, TP.HCM, cũng nói rằng: "Các nền tảng mạng xã hội ngày càng "lên ngôi". Gửi thư viết tay, có thể mất vài ngày mới đến người nhận. Còn khi nhắn tin qua Viber, Zalo… chỉ sau vài giây là có thể được phản hồi. Chính sự tiện lợi của mạng xã hội đã khiến nhiều người không còn viết thư tay".

Lê Hải My, sinh viên Trường ĐH Văn Hiến (TP.HCM), nói: "Chưa một lần viết thư. Và cũng chưa từng được nhận thư viết tay. Có lẽ thế hệ Z như chúng mình chỉ quen thuộc với thư điện tử và các ứng dụng nhắn tin".

Nguyễn Thị Tố Thanh (26 tuổi), làm việc ở Bưu cục Quận 8, TP.HCM, kể rằng hiếm khi thấy khách đến gửi những bức thư viết tay. Phần lớn chỉ gửi vật phẩm, hàng hóa…

Những lá thư viết tay do học sinh ở TP.HCM viết gửi cho các chiến sĩ bộ đội biên phòng vào dịp tết 2024 vừa qua

Những lá thư viết tay do học sinh ở TP.HCM viết gửi cho các chiến sĩ bộ đội biên phòng vào dịp tết 2024 vừa qua

THANH NAM

… nhưng thư viết tay vẫn tồn tại

Tuy thư viết tay ngày càng ít, nhưng chẳng phải "mất hút" và không còn nữa. Thực tế, vẫn có những người trẻ "chuộng" thư tay và có thói quen viết thư tay.

Nguyễn Nhật Thanh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cho biết vẫn thích gửi thư viết tay cho người khác. Và thật sự cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhận được bức thư viết tay của người khác gửi đến.

"Mạng xã hội phát triển. Các ứng dụng nhắn tin ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, mình vẫn thích thư viết tay. Vì khi đọc thư, với những dòng chữ nắn nót, hiểu được tình cảm của người đã viết. Còn những bức thư điện tử, là những ký tự vô hồn", Thanh nói.

Đặng Nhật Thiên, sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng, tỉnh Quảng Ngãi, cho hay: "Mình viết thư từ khi học ở bậc THPT và còn giữ thói quen ấy đến bây giờ. Thi thoảng, vào những dịp tết, ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, mình cũng viết thư trên những trang giấy để gửi đến thầy, cô giáo cũ. Và cũng có lúc cặm cụi ngồi viết thư để gửi người yêu đang học ở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Dù rằng, cả hai thường xuyên tán gẫu trên Facebook với nhau".

Chị Hồ Thị Lệ Hằng (33 tuổi), ngụ tại đường Bùi Đình Tuý, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nói: "Tôi có những người bạn học cũ đang làm việc, sinh sống ở Nga. Chúng tôi vẫn còn giữ một thói quen từ khi còn học ở bậc THPT là viết thư cho nhau. Với tôi, những lá thư viết tay chứa đầy tình cảm của người viết. Và khi đọc, người nhận cảm thấy vui hơn".

Nguyễn Nhật Thanh cho biết vẫn thích thư viết tay cho người khác

Nguyễn Nhật Thanh cho biết vẫn thích thư viết tay cho người khác

NVCC

Nguyễn Nhật Thanh cho rằng: "Thời đại công nghệ, mọi người vẫn có thể viết thư tay cho nhau. Đó là cách để lưu giữ những giá trị của một thời đã cũ. Điều đó, sẽ giúp cho ký ức của ai đó được khơi gợi lại. Hiện nay, người trẻ luôn thích những không gian cổ kính, những trải nghiệm đối với đời sống thời xa xưa. Thế nên, thư viết tay cũng là cách để người trẻ được thực hiện trải nghiệm như vậy. Lâu lâu, nếu viết thư tay cho nhau, hẳn sẽ rất thú vị. Và biết đâu, lá thư viết tay ấy sẽ là một đề tài trong cuộc trò chuyện của họ".

Anh Trương Thanh Tín (30 tuổi), làm việc tại Phòng khám đa khoa Duy Khang, TP.HCM, nói: "Viết thư tay cũng đem lại nhiều điều thú vị. Hơn hết, khi viết thư tay, sẽ là cơ hội để người viết được rèn luyện chữ viết sao cho thật nắn nót và đẹp".

Thăm dò ý kiến

Có ý kiến cho rằng "Khoa học dù phát triển đến đâu, thư tay vẫn tồn tại", bạn có đồng ý?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.