Sài Gòn “tổng tấn công” tội phạm

02/03/2016 00:00 GMT+7

Nạn cướp giật, trộm cắp làm “nóng” hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội do UBND TP.HCM tổ chức hôm qua 1.3.

Nạn cướp giật, trộm cắp làm “nóng” hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội do UBND TP.HCM tổ chức hôm qua 1.3.

Lực lượng chức năng của TP.HCM quyết tâm triệt xóa tội phạm - Ảnh: Đàm HuyLực lượng chức năng của TP.HCM quyết tâm triệt xóa tội phạm - Ảnh: Đàm Huy
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: Tân Phú
Theo trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, trong số 6.004 vụ phạm pháp hình sự xảy ra trong năm 2015, tội phạm xâm phạm tài sản (cướp giật, trộm cắp) vẫn xảy ra nhiều, chiếm tỷ lệ đến hơn 84%. Thực trạng này gây bất an, lo ngại trong nhân dân và du khách. Các vụ cướp giật, trộm cắp phần lớn phát sinh trong số thanh thiếu niên thất nghiệp, nghiện ma túy. Riêng trên địa bàn trung tâm, theo đại tá Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng công an Q.1, trong số 345 vụ phạm pháp hình sự năm 2015 có đến 109 vụ cướp giật tài sản (chiếm tỷ lệ 31,59%), 177 vụ trộm cắp (51,3%); và trong số 109 vụ cướp giật tài sản có đến 55 vụ cướp giật tài sản của người nước ngoài.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP, cho biết Sở cũng có nhận 4 công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Văn phòng kinh tế - văn hóa Đài Bắc thông báo một số thông tin, trong đó có bày tỏ quan ngại về việc gia tăng tình trạng công dân của họ bị xâm phạm an ninh, cướp giật tài sản ở các quận trong TP, và sự thiếu hợp tác hoặc hợp tác chưa đầy đủ của lực lượng chức năng khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ du khách.
Điều chuyển, thay thế người đứng đầu
Tôi xin nhấn mạnh địa bàn nào mà để tội phạm hoạt động phức tạp, kéo dài, lộng hành, gây dư luận bức xúc trong nhân dân thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Và tôi xin nói rõ là các đồng chí chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu buông lỏng quản lý, để xảy ra bao che, dung túng tội phạm
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong
Tại hội nghị, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP, thừa nhận: “Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là tội phạm xâm phạm tài sản chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm”. “Bây giờ đừng đưa ra khẩu hiệu nữa, đặc biệt là khẩu hiệu mâu thuẫn nhau. Chúng ta nói làm phong trào rất tốt, xây dựng rất nhiều mô hình mà rồi lại nói bị xâm phạm tài sản là do nạn nhân mất cảnh giác...”, ông Minh đặt vấn đề và thẳng thắn: “Tôi xin lỗi là tôi không chấp nhận cách lý giải đó. Địa bàn mình người dân lao động nhập cư nhiều, mà bây giờ bảo người ta nhịn đói ở nhà giữ tài sản hay sao. Chừng nào người ta vắng nhà mà không khóa cửa thì đổ thừa được, chứ đã khóa cửa rồi mà lại bị đổ thừa mất cảnh giác như vậy, thì tôi cho rằng rất là phản cảm”.
“Xoay quanh chuyện quản lý địa bàn thì tôi xin nói thế này, là không ai muốn địa bàn mình phức tạp hơn, nhưng có khi là lực bất tòng tâm. Chỉ thị 21 và Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị đều có nói đến trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng mà lâu nay chúng ta chưa xử lý được ai hết. Lần này tôi đề nghị là nếu các anh đồng ý, Công an TP sẽ thống kê tình hình phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội theo các tiêu chí tại nơi xảy ra, nơi đối tượng vi phạm, cư trú… và công bố việc này. Nếu người đứng đầu mà để xảy ra tụ điểm kéo dài, để tình hình phức tạp thêm thì như vậy chúng ta có căn cứ để xử lý trách nhiệm”, ông Minh nói thêm và đề nghị: “Nếu báo cáo gian để nhận danh hiệu ấp, khu phố văn hóa, phường, xã không có ma túy mà số liệu thống kê không phải như vậy thì xin thay người đứng đầu đi, chứ người đứng đầu báo cáo láo để lừa cấp trên thì tôi không nói kỷ luật, cách chức gì, nhưng tôi hoàn toàn thống nhất việc đưa anh đi chỗ khác, đến làm việc ở địa bàn dễ dàng, êm ái hơn. Có thể cách phát biểu của tôi hơi bức xúc nhưng cần phải nói rõ các yếu kém cũng như các giải pháp cụ thể”.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ du khách, ông Minh cho rằng cần thực hiện mô hình xã hội hóa để các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú cùng hợp sức. “Cũng có tình trạng du khách nước ngoài đến TP gây án, làm chuyện động trời lắm. Do đó nếu doanh nghiệp lữ hành nào để cho du khách vi phạm thì doanh nghiệp đó sẽ bị cắt quyền xin thị thực”, ông Minh khẳng định và nói thêm: “Tôi không loại trừ công an phường có nơi thờ ơ, thiếu trách nhiệm, nhưng riêng ở địa bàn Q.1 thì chúng tôi đã trị rất nhiều và tôi tin rằng không còn chuyện đó. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là do bất đồng ngôn ngữ và chúng ta đã thống nhất với nhau là doanh nghiệp lữ hành phải bố trí hướng dẫn viên đưa du khách đến trụ sở công an trình báo nếu có bị xâm phạm tài sản”.
Đề cập đến những giải pháp trọng tâm phải tập trung thực hiện trong thời gian tới, trung tướng Lê Đông Phong khẳng định Công an TP sẽ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với hành vi bao che, dung túng cho tội phạm; người đứng đầu các đơn vị chống án, không hoàn thành nhiệm vụ, không triển khai kịp thời, nghiêm túc các chỉ đạo về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; hoặc thờ ơ, đối phó, gian dối trong báo cáo tình hình tội phạm. “Trường hợp yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, ngoài việc xử lý trách nhiệm thì cũng thực hiện luôn việc điều chuyển, thay thế”, ông Phong nhấn mạnh.
Mời cấp phó ra về…
Thư mời của UBND TP mời đích danh chủ tịch UBND và trưởng công an 24 quận, huyện dự hội nghị. Tuy nhiên, có một số quận, huyện cử cấp phó đi thay và đã bị Chủ tịch UBND TP mời ra về.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, đây là một hội nghị quan trọng. Chủ tịch các quận, huyện cũng là người phụ trách Đảng ủy cơ quan công an cùng cấp nên đòi hỏi phải có sự sát sao, quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống tội phạm. “Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải mang tính chất thường xuyên, quyết tâm cao; đừng có làm kiểu hình thức, đối phó. Chúng ta đến đây để xác định rõ trách nhiệm với nhau, thấy rõ trách nhiệm của nhau. Phải làm sao để bước ra khỏi hội trường này về là quyết tâm làm cho có hiệu quả. Bí thư Thành ủy cũng đã có chỉ đạo rồi, giờ chỉ còn bắt tay nhau mà làm để tội phạm không có đất sống”, ông Phong nói.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định phải tăng cường hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để có những giải pháp cụ thể, đặc biệt là huy động tổng lực triệt xóa cướp giật, trộm cắp, bởi đây là một đòi hỏi cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo bình yên cho người dân. “Tôi xin nhấn mạnh địa bàn nào mà để tội phạm hoạt động phức tạp, kéo dài, lộng hành, gây dư luận bức xúc trong nhân dân thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Và tôi xin nói rõ là các đồng chí chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu buông lỏng quản lý, để xảy ra bao che, dung túng tội phạm. TP sẽ kiên quyết thay thế lãnh đạo hoặc chỉ huy nếu không hoàn thành nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Tôi nói rõ vậy và nhẹ nhàng vậy để chúng ta thấy được trách nhiệm của mình”, ông Phong khẳng định.
Tăng gấp đôi hình sự đặc nhiệm
Tại hội nghị, trung tướng Lê Đông Phong cho biết Công an TP đang tăng gấp đôi định biên lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm; triển khai bổ sung, tăng cường cảnh sát cơ động không chỉ tuần tra ban đêm mà cả ban ngày trên một số địa bàn, tuyến trọng điểm và có sự phối hợp với hoạt động tuần tra của cảnh sát hình sự đặc nhiệm; đồng thời tiếp tục phát huy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ông Phong khẳng định Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội sẽ chủ trì, phối hợp công an các quận, huyện rà soát, lên danh sách, có kế hoạch đấu tranh với các băng nhóm cho vay nặng lãi, bảo kê, đòi nợ thuê đang có dấu hiệu hoạt động phức tạp, manh động, liều lĩnh; tập trung đánh mạnh vào các băng nhóm tội phạm hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, cướp giật, trộm cắp...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.