|
Theo AP, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma thông báo việc từ trần của ông Mandela vào tối 5.12 (giờ địa phương). Trong bài phát biểu thấm đẫm đau buồn trên truyền hình, ông Zuma cho biết: “Ông Mandela đã ra đi một cách yên bình, vào lúc 20 giờ 50 phút ngày 5.12.2013, trong sự hiện diện của gia đình. Ông ấy đang yên nghỉ. Đất nước của chúng ta đã mất đi người con vĩ đại nhất của mình”.
Ông Mandela, tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, đã phải ra vào bệnh viện nhiều lần kể từ năm 2012 để điều trị bệnh nhiễm trùng phổi, đặc biệt là từ tháng 6 đến nay, khi tình trạng sức khỏe của ông trở nên xấu đi. Suốt nhiều tháng qua, chính phủ và nhân dân Nam Phi luôn theo dõi sát sao, liên tục cầu nguyện cho lãnh tụ kính yêu của họ. Trong thông báo đưa ra tối 5.12, Tổng thống Zuma nhấn mạnh dù biết sẽ đến ngày ông Mandela ra đi vĩnh viễn nhưng “không thể nào giảm đi nỗi đau và sự mất mát của chúng ta”.
Theo kế hoạch, lễ quốc tang của cựu Tổng thống Mandela sẽ diễn ra trong khoảng một tuần, bắt đầu từ ngày 7.12.
|
Nước mắt và tiếng hát
|
Trong suốt ngày hôm qua, cả đất nước Nam Phi và thế giới ngập trong không khí tiếc thương một trong những nhân vật giàu ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Các nhà lãnh đạo, những người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực liên tục ca ngợi ông Mandela bằng những lời lẽ tốt đẹp và tôn kính nhất, trong khi HĐBA LHQ dành một phút mặc niệm trong cuộc họp hôm qua. Thông tin về sự ra đi của ông trở thành chuyên đề lớn nhất của các hãng thông tấn lớn. Trong khi đó, hình ảnh hàng ngàn người đủ mọi màu da, sắc tộc đứng cạnh bên nhau cùng thắp nến, đặt hoa trước nhà ông Mandela ở Johannesburg, trước cửa Đại sứ quán Nam Phi hay tượng đài nhà lãnh tụ ở nhiều nước, là bằng chứng rõ nhất về di sản vĩ đại của ông: góp phần xây dựng một thế giới đại đồng, bình đẳng và nhân ái.
Những hình ảnh trên truyền hình cho thấy, người dân Nam Phi có cách rất riêng để tiễn biệt Madiba (tên gọi tôn kính dành cho Mandela) của họ. Tiếc nuối, buồn thương nhưng đa số cũng cảm thấy người con vĩ đại của dân tộc đã có thể yên nghỉ sau một cuộc đời đấu tranh. Tâm lý đó cộng với nét văn hóa đặc trưng của châu Phi khiến rất nhiều người thay vì khóc lóc khổ đau lại cất cao tiếng hát, tay cầm cờ Nam Phi và ảnh Madiba. Nhiều người thổi kèn vuvuzuela và nhảy múa dù nước mắt lăn dài trên má.
Nguồn sáng vĩ đại
Lãnh tụ Mandela đã nhận hơn 250 giải thưởng, trong đó có giải Nobel Hòa bình năm 1993. Theo website Who’s Who, ông Mandela sinh ngày 18.7.1918 ở Umtata, Nam Phi và tích cực hoạt động trong phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid từ độ tuổi 20. Ông nhanh chóng trở thành lá cờ đầu trong cuộc đấu tranh “giải cứu” đất nước Nam Phi khỏi chia rẽ, áp bức và kỳ thị bằng nhiều phương pháp, nhưng chủ yếu là bất bạo động. Là mối đe dọa lớn nhất của chính quyền da trắng, Mandela từng trải qua nhiều năm tháng lao tù, trong đó có 27 năm bất khuất trong nhà ngục trên đảo Robben. Ngày 11.12.1990, khi Mandela bước ra khỏi nhà tù, một tương lai tươi sáng đã đến với dân tộc Nam Phi.
Bốn năm sau khi ra tù, Mandela trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi và tiếp tục đi vào lịch sử nhân loại như biểu tượng kiệt xuất cho tự do, hòa giải và tha thứ. Ông không trả thù người da trắng, không cho phép bất cứ sự phân biệt đối xử nào xuất hiện lại trên đất nước Nam Phi, và tạo điều kiện tiến tới hòa giải dân tộc.
Khác với một số nhà lãnh đạo, Mandela không lợi dụng công lao và ảnh hưởng quá lớn của mình để bám lấy quyền lực. Ông làm tổng thống trong đúng một nhiệm kỳ và rời chính trường vào năm 1999 để trao quyền chọn người kế nhiệm vào tay cử tri, đặt nền móng vững chắc cho nền dân chủ ở Nam Phi. Đó là lý do mà Thủ tướng Anh David Cameron đã viết: “Một nguồn sáng vĩ đại đã tắt” khi nói về sự ra đi của Mandela.
Theo website World History Project, Mandela đã 3 lần kết hôn, có nhiều con và cháu.
Đối thủ cũng ca ngợi Con người và sự nghiệp của Mandela khiến cả những đối thủ của ông cũng phải khâm phục. Hôm qua, BBC dẫn lời ông F.W. de Klerk, Tổng thống da trắng cuối cùng của Nam Phi, gọi Mandela là “người hòa giải, thống nhất đã tạo nền tảng để chúng ta chung sống hòa bình với nhau”. Trong khi đó, lãnh đạo nhiều nước đã ra lệnh treo cờ rủ để tưởng nhớ nhà lãnh tụ. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện chia buồn với Tổng thống Jacob Zuma. Ông Obama nói Mandela là “nguồn cảm hứng cho bản thân tôi và cả nhân loại”; còn Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu: “Bất chấp mọi thử thách, Mandela cống hiến cho đến những ngày cuối cùng vì chủ nghĩa nhân đạo và công lý”. |
Trùng Quang
>> Những cột mốc quan trọng trong cuộc đời Nelson Mandela
>> Các nguyên thủ bày tỏ lòng thương tiếc ông Nelson Mandela
>> Ông Mandela từ trần
>> Sức khỏe cựu Tổng thống Nam Phi ‘ổn định nhưng nguy kịch
>> Người phát ngôn của Bush ‘cha’ xin lỗi vì lỡ nói Nelson Mandela đã chết
>> Thế giới mừng sinh nhật lần thứ 95 của Nelson Mandela
>> Ông Nelson Mandela đang sống thực vật?
>> Bộ trưởng Úc xin lỗi vì lỡ nói ông Nelson Mandela qua đời
>> Ông Nelson Mandela hết sức nguy kịch
>> Ông Nelson Mandela phải chuyển sang thở bằng máy
>> Siết chặt an ninh tại bệnh viện nơi ông Nelson Mandela điều trị
Bình luận