"Vi hành" hầu hết các công trường thi công; yêu cầu địa phương cử cán bộ "nằm vùng" để đẩy nhanh tiến độ; "đuổi" chủ đầu tư "tay không bắt giặc", không có năng lực tài chính; xử lý hàng chục nhà thầu vi phạm... có thể nói, dự án nâng cấp, mở rộng QL1 là dự án nhận được sự quan tâm lớn nhất của Tư lệnh ngành GTVT - Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Ông có mặt ở hầu hết các công trường, đốc thúc từng đơn vị thi công, quy trách nhiệm cụ thể từng người, công ty về việc chậm trễ... nhưng tiếc rằng ở dọc QL1, cuộc sống của nhiều hộ dân vẫn khốn khổ vì những điều hết sức vô lý.
Đáng nói là hầu hết những "cái khổ" của họ đều cũ. Nhiều "cái khổ" chỗ này, chỗ kia đích thân bộ trưởng cũng đã trực tiếp xử lý nhưng vẫn tái diễn. Như việc người dân phải "phi thân" mới vào được nhà do cống cao hơn nhà tới 1 m nhưng đơn vị thi công lại "quên" đậy nắp cống; rồi "quên" tưới nước mặt đường khiến đất, đá bay cả vào mâm cơm... Những chuyện này không nằm ngoài quy trình thực hiện, không lớn và cũng không khó, nhất là so với quy mô, ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án. Nhưng chính sự thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm của các đơn vị thi công đã khiến chuyện nhỏ mà để lại hậu quả lớn. Mà lớn nhất chính là nỗi bức xúc của người dân dù "ai cũng biết, muốn có đường đẹp phải chịu cực một tí" như lời bà cụ 80 tuổi Trần Thị Táo ở thôn Hòa Bình, xã Vĩnh Long, Quảng Trị nói với Thanh Niên trong loạt bài Cực như sống ở... mặt tiền QL1.
Một người bình thường nhất cũng hiểu, muốn có đường đẹp thì phải chấp nhận "cực một tí". Đó là một thực tế hiển nhiên. Muốn giao thông thuận tiện, an toàn; tiết giảm chi phí; tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế thì từ người dân cho đến nhà nước đều phải chấp nhận đối mặt khó khăn, chấp nhận thiệt thòi, thậm chí hy sinh quyền lợi riêng để thực hiện dự án. Theo tính toán của Bộ GTVT, dự án mở rộng và nâng cấp QL1 với quy mô 4 làn xe sẽ tăng tốc độ trung bình của phương tiện từ 40 - 50 km/giờ hiện tại lên 70 - 80 km/giờ, rút ngắn thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí vận hành (xăng dầu, duy tu, sửa chữa phương tiện). Ngoài ra, dải phân cách ở giữa sẽ hạn chế tai nạn giao thông. Với lượng hàng hóa vận chuyển trên QL1 chiếm khoảng 65% lượng hàng vận tải bắc - nam, chưa kể lượng vận tải khách trên tuyến cũng rất cao do tất cả các bến xe liên tỉnh đều bố trí trên con đường này, nếu hoàn thành, hiệu quả mà dự án mang lại là hết sức lớn. Nên "cực một tí" chính là sự chấp nhận thiệt thòi của những hộ dân sống dọc QL1. Họ phải sống chung với khói, bụi, ô nhiễm trầm trọng; chấp nhận mất đi các cơ hội làm ăn do hàng quán, cửa hiệu phải đóng cửa... Về phía nhà nước, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, phải gác lại nhiều dự án quan trọng nhưng vẫn dồn nguồn để đẩy nhanh dự án này. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng quyết liệt, có mặt ở từng công trường, đốc thúc từng đơn vị, giải thích đến từng hộ dân...
Nhưng người dân đã chấp nhận "cực một tí" (mà thực tế là cực quá nhiều), Chính phủ phải nỗ lực cân đối nguồn lực hạn hẹp để có vốn cho dự án này thì các nhà thầu, các đơn vị thi công, công ty giám sát, tư vấn, thiết kế, các chủ đầu tư... càng phải thể hiện trách nhiệm cao nhất của mình trong việc thực hiện nghiêm túc quy trình, tiến độ, chất lượng... chứ không chỉ trách nhiệm một cách đối phó khi có kiểm tra.
Không lẽ, cái gì cũng phải kêu bộ trưởng?
Nguyên Khanh
>> Dự án mở rộng QL1 qua Bình Định: Trên 1.300 hộ dân chưa chịu nhận đền bù
>> Tập trung giải phóng mặt bằng mở rộng QL1
>> Tăng cường giám sát thi công nâng cấp, mở rộng QL1
>> Ra hạn chót giải quyết khiếu nại để mở rộng QL1
>> Phải bàn giao mặt bằng để mở rộng QL1 trong tháng 6
>> Quảng Ngãi cần quyết liệt triển khai dự án mở rộng QL1
>> Mới bàn giao 40% mặt bằng để mở rộng QL1 ở Quảng Nam
Bình luận