Nguy cơ gia tăng nợ xấu

Nguy cơ gia tăng nợ xấu

13/03/2013 03:10 GMT+7

Doanh nghiệp vẫn chìm trong khó khăn, bất động sản tiếp tục đông cứng, nhiều khoản nợ có nguy cơ không tiếp tục được khoanh, giãn... khiến nợ xấu có thể sẽ gia tăng.

Nguy cơ gia tăng nợ xấu
Nợ xấu tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ gia tăng trở lại - Ảnh: Ngọc Thắng - Đồ họa: Du Sơn

Những con số được công bố

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố nợ xấu đã giảm từ mức 8% tổng dư nợ vào cuối 2012 xuống còn 6% ở thời điểm hiện tại, tương đương khoảng 174.000 tỉ đồng.

Tại cuộc họp báo Chính phủ vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết mặc dù công ty quản lý tài sản quốc gia chưa đi vào hoạt động, việc giảm 2% nợ xấu là kết quả tích cực từ phía các NH thương mại. Theo đánh giá của NHNN, nợ xấu được xử lý chủ yếu từ khoản trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) của các tổ chức tín dụng (TCTD). Cụ thể, đến cuối 2012, các TCTD trong và ngoài nước đã trích lập được khoảng 78.600 tỉ đồng, tăng 33% so cuối 2011. Đến hết 2012, các TCTD xử lý được 45.000 tỉ đồng. Như vậy, phần lớn nợ xấu được giải quyết rơi vào thời điểm 2 quý cuối 2012, còn trong khoảng tháng 1, 2 năm 2013 các TCTD xử lý được khoảng gần 10.000 tỉ đồng.

Điều lưu ý là những con số công bố của các TCTD và giám sát của NHNN có sự khác biệt rất lớn. Thứ nhất, theo báo cáo của các TCTD vào cuối năm 2012, nợ xấu khoảng 135.000 tỉ đồng, tương đương 4,86% tổng dư nợ và tăng 67,25% so với 2011. Còn theo kết quả giám sát của NHNN, nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối năm 2012 là 8% tổng dư nợ như đã nói trên.

Thứ hai, trong khi nợ xấu bình quân toàn hệ thống khá cao, thì báo cáo tài chính của từng nhà băng lại khá thấp. Cụ thể, hết 2012, BIDV có tỷ lệ nợ xấu 2,7% trên tổng dư nợ, tương tự Vietcombank là 2,26%, Vietinbank 1,46%, Sacombank 1,89%, Eximbank 1,2% và NH Quân đội (MB) 1,85%. Duy có 2 trường hợp, dù không nằm trong nhóm 9 NH thuộc diện tái cơ cấu nhưng nợ xấu cao là Agribank 5,8%, và SHB đang dẫn đầu 8,53%. SHB lý giải nợ xấu tăng mạnh chủ yếu do phải lo gánh khoản nợ nần lớn từ Habubank từ khi sáp nhập.

Những thống kê khác biệt trên được NHNN khẳng định là do các nhà băng phân loại nợ không đúng, trích lập DPRR không đầy đủ.

Nguy cơ

 

Nợ nở ra, tài sản co lại

Bản tin Kinh tế vĩ mô số 8 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa công bố tình hình nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng, cơ cấu nợ xấu lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ cao nhất 22,5%, kế đến là bất động  sản 19,25%... Giải quyết nợ xấu bất động  sản là một vấn đề lớn, khó khăn nhất vì giá trị tài sản phải co lại đáng kể, trong khi giá trị của các khoản nợ sẽ tiếp tục nở ra. Sự kéo dài của tình trạng này làm không ít các DN bị cạn vốn và phá sản, ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản của các NH có liên quan và qua đó đe dọa đến sự an toàn của hệ thống NH.

NHNN khẳng định nợ xấu đang giảm, nhưng số liệu từ một cơ quan chuyên môn của NHNN cho biết trong tháng 1.2013, nợ đủ tiêu chuẩn của khối NHTM cổ phần giảm trong khi nợ không đủ tiêu chuẩn lại gia tăng. Khối NH ngoại cũng không ngoại lệ. Điển hình như NH Việt Thái nợ nhóm 5 - nợ có nguy cơ mất vốn - chiếm tới 10,17% dư nợ. Trong khi đó, NH Đầu tư và phát triển Campuchia - chi nhánh TP.HCM, trong tháng 1 tỷ lệ nợ xấu tăng cao nhất khối NH nước ngoài. Cụ thể, trong khi tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của khối NH nước ngoài tăng 0,01% so với tháng trước, thì NH này tăng 0,9%.

Còn trước đó, tính đến ngày 31.12.2012, nợ xấu của Vietcombank chiếm 2,26% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ 2,03% hồi đầu năm. Tương tự, Vietinbank nợ xấu là 1,46%, tăng gấp đôi so với mức 0,75% cuối năm 2011. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng vọt gấp hơn 8 lần và nợ có khả năng mất vốn tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2011.

Bên cạnh đó, những khoản nợ được giãn, khoanh lại đang có nguy cơ trở lại, thậm chí ngày càng rủi ro khi trong gần 1 năm kể từ khi thực hiện việc này, không nhiều doanh nghiệp (DN) trả được nợ bởi sản xuất kinh doanh khó khăn triền miên. Cụ thể, theo báo cáo của NHNN, tính hết năm 2012, các TCTD đã điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng là 244.565 tỉ đồng.

Trao đổi với PV Thanh Niên, tổng giám đốc một NHTM cổ phần cho rằng rất khó khăn để NH của ông tiếp tục giãn nợ cho các DN nếu như họ không trả được nợ đã giãn lần trước. “Khó khăn vẫn chưa chấm dứt, đầu ra của DN vẫn rất kém, đó là lý do mà chúng tôi phải cân nhắc và xem xét lại có tiếp tục giãn, khoanh nợ hay không”, vị tổng giám đốc này nói.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cũng đồng quan điểm trên, khi cho rằng mỗi khoản nợ được giãn, chỉ đơn giản giống như một ngọn lửa được bọc trong giấy, nó vẫn âm ỉ cháy, nếu không được xử lý đến một lúc nào đó tất cả sẽ bùng cháy. Theo tiến sĩ Kiêm, kể từ 1.6 tới đây, nợ xấu sẽ gia tăng khi TCTD phải phân loại theo quy định mới của NHNN. Đơn cử, nếu trước kia khách hàng của hai món vay tại hai NH, nợ ở đâu khoanh nhóm ở đó; thì với quy định mới chỉ cần khách hàng có một món nợ xấu nhóm 3 tại một NH nào đó, tất cả các khoản nợ nhóm thuộc 1, 2 ở các NH khác cũng tự khắc được xếp vào nhóm 3. “Phân loại như vậy chắc chắn nợ xấu sẽ về đúng bản chất thật và gia tăng”, tiến sĩ Kiêm nói.

Anh Vũ

>> Cảnh báo nợ xấu tiềm ẩn
>> Kiên quyết không để nợ xấu xấu hơn
>> Nợ xấu tiềm ẩn ở công ty chứng khoán
>> Thống đốc NHNN sẽ trả lời chất vấn về nợ xấu, thị trường vàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.