Những mối tình đẹp trên sân khấu

Những mối tình đẹp trên sân khấu

14/02/2013 14:00 GMT+7

(TNO) Ngày Valentine, có những trái tim đang rộn ràng giai điệu. Và có khi những giai điệu ấy lại hốt nhiên ẩn hiện trên sân khấu như một lời đồng cảm! Sân khấu có những mối tình đẹp để đời thường người ta phải ao ước…

Trái tim không phải bao giờ cũng dám nói thật. Nó giấu tình yêu như một nốt lặng giữa cô Lý (Hồng Ánh) và anh Tư Nhớ (Trí Quang) trong Nửa đời ngơ ngác (sân khấu Hoàng Thái Thanh).

Cô Lý cứ loay hoay cùng nồi cơm, cùng cái áo rách chưa giặt, chăm sóc Tư Nhớ như thể “tiện tay” mà làm. Nói năng thì lúc dịu dàng, lúc lại dùng dằng dủng dẳng.

Tư Nhớ cũng vậy, nỗi căm thù người chị của Lý đã bỏ anh khiến anh càng hậm hực với Lý. Có lúc quát nạt, đuổi xua. Hóa ra, chỉ là sự cố gắng xua đi cái cảm giác thật đang ngày càng len lỏi trong tim, mà có khi chính anh cũng không nhận biết. Nhưng chỉ cần một phép thử là anh vỡ òa, thú nhận. Lý cũng từng vỡ òa như thế, và cô dám bước qua vòng lễ giáo để ôm chặt lấy người mình yêu, gào lên nỗi lòng cay đắng suốt 15 năm.

Tình yêu càng bị nén chặt càng tràn bờ, vỡ đập. Tình yêu của người phương Nam nhẹ nhàng rủ rỉ như dòng sông hiền hòa phù sa mỗi ngày bồi lắng, nhưng tới mùa lũ vẫn có thể xé đất tràn lên mãnh liệt…

 Tư Nhớ (Trí Quang), Lý (Hồng Ánh), Ái Như (bà Hai) trong vở Nửa đời ngơ ngác
Tư Nhớ (Trí Quang), Lý (Hồng Ánh), Ái Như (bà Hai) trong vở Nửa đời ngơ ngác
- Ảnh: Nguyễn Á

Tình yêu của cô Kây trong Một cuộc đời bị đánh cắp (sân khấu IDECAF) thì ngược lại. Nó trong trẻo, tuyệt đẹp ngay buổi ban đầu và rồi héo tàn, nhẫn tâm, đau đớn suốt cả cuộc đời. ydi (Lương Thế Thành) và Kây (Lê Khánh) dù khác nhau về gia thế nhưng giống nhau ở tuổi trẻ trong veo, nhiều mơ ước. Và những e ấp của buổi ban đầu sao cứ đọng lại trong lòng như một vết son, để mấy chục năm sau gặp lại Kây và ydi vẫn bồi hồi lưu luyến. Nhưng vết son ấy đã bị che phủ bởi những cơn sóng xã hội, bởi thời thế chính trị, bởi quyền lực kinh tế… đến nỗi Kây lạnh lùng để cảnh sát bắt ydi đi tù, và trong ydi chỉ còn là căm hận của giai cấp. Người đàn ông thứ hai yêu Kây là Xintarô (Thành Lộc), cũng chán ngán cô, lên án, rồi xa rời cô.

Tình yêu của Xintarô bảo thủ, lắm khi đòi hỏi Kây phải làm người vợ, người mẹ hoàn hảo trong gia đình hơn là đi ra ngoài thăng tiến. Xintarô rời nhà, sống cô đơn, và anh cũng bỏ Kây cô đơn. Nhưng chính người đàn ông thứ ba mới thật là yêu Kây tha thiết nhất.

Ông cậu Xâyxukê (Hữu Châu) từng trải trong chiến tranh, hiểu tất cả nỗi đau cũng như nhược điểm của Kây trong khi hai người đàn ông kia chỉ nhìn được một phía. Ông vừa thương vừa giận Kây, nhưng chưa bao giờ bỏ rơi cô. Không một lời tỏ tình, ông lẳng lặng song hành với cô trong công việc lẫn phiền lụy gia đình. Ông gánh bớt áp lực cho cô mà cô nào có hay. Mối tình của ông không đòi hỏi, không trả giá, một sự hy sinh toàn vẹn cho đến hơi thở cuối cùng.

Yêu thế mới làm người ta nhói lòng, day dứt!

Một tình yêu khác cũng đầy tự trọng là tình của cô Nhi (Mỹ Uyên) với anh Quân (Thanh Hoàng) trong Nếu như yêu (Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM). Tuy anh là đại gia, biết bao cô gái lao vào như thiêu thân, nhưng Nhi vẫn không muốn dựa dẫm. Cô sống tự lập, rèn luyện tay nghề, vươn lên giữa khó khăn. Chính điều đó mới làm Quân cảm phục. Lâu lắm mới xuất hiện một “chuyện tình đại gia” tốt đẹp như thế chen giữa bao nhiêu thị phi về giới này. Nhưng nó lại rất thật, rất thuyết phục người xem.

Chuyện tình được viết bằng giọng “tưng tửng”, không lên gân cao đạo, cũng không hài hước rẻ tiền, châm biếm cay cú, nên vừa vui vừa lạ vừa dễ thương lãng mạn.

Trong không khí đầy vụ lợi của cuộc đời, người ta bỗng tìm được một món quà xinh xinh đủ làm trái tim rung nhẹ, mỉm cười.

Câu chuyện của Hai Đời (Quang Tuấn) trong vở Đời Như Ý (Nhà hát Thế Giới Trẻ) lại khắc họa một khía cạnh khác của tình yêu. Chàng trai mù lòa Hai Đời vì bảo vệ cho Bé Ba (Ngọc Trinh), đứa em nuôi tâm thần bị chửa hoang, mà đứng ra nhận mình là chủ nhân của bào thai. Vì tránh miệng lưỡi thế gian, Hai Đời chống ghe đưa bé Ba đi nơi khác mưu sinh bằng nghề bán vé số. Hai người nương tựa vào nhau mà sống và nuôi con.

Tình yêu giữa họ không phải đến từ những cuộc hẹn hò lãng mạn, những cái nắm tay thẹn thùng hay ánh mắt nóng bỏng lửa tình, mà đến từ cái “nghĩa” và lòng trắc ẩn. Mối dây liên kết giữa hai con người bất hạnh là những tháng ngày dắt díu nhau giữa ngôi chợ nghèo, những lúc lời ca vọng cổ và giai điệu buồn từ cây guitar phím lõm của Hai Đời được đặt bên cạnh tiếng cười ngây ngô của bé Ba. “Mình ơi mình à”, sao mà tự nhiên, sao mà thân thương!

Phải yêu lắm người ta mới gọi được như thế, và những tháng ngày gắn bó với nhau đã khiến Hai Đời từ chỗ tội nghiệp đã yêu bé Ba lúc nào không biết.

Trong bóng tối nghiệt ngã của số phận, con người ta vẫn có thể tìm được tình yêu, để có dũng khí sống tiếp và cả tha thứ nữa. Mười năm sau, cha mẹ đứa nhỏ - cũng là kẻ đã hãm hại Bé Ba và Hai Đời - tìm đến xin nhận lại con. Vì muốn con có cuộc sống tốt đẹp hơn, anh đã rứt ruột giao trả nó cho chính kẻ thù. Sự hy sinh và tấm lòng khoan dung của Hai Đời, đã nhận lại những tiếng vỗ tay và những giọt nước mắt của khán giả.

Hoàng Kim - Anh Vũ

>> Sân khấu phía Bắc tưng bừng trẩy hội xuân
>> Kịch tết ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh
>> Hội thi các nhóm ca khúc và sân khấu tỉnh Hậu Giang
>> Ông “trùm chèo” của sân khấu Việt Nam
>> Phương Thanh "trở lại" sân khấu ca nhạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.