Kỳ 2: Cần phải chia sẻ nhiều hơn với các em

Kỳ 2: Cần phải chia sẻ nhiều hơn với các em

24/01/2013 00:55 GMT+7

Sau khi đăng bài “Có nên cấm học sinh sử dụng mạng xã hội?”, Thanh Niên nhận rất nhiều ý kiến của bạn đọc.

Thực trạng chửi thề trên mạng

Ngay từ nhỏ, không ai được dạy chửi thề nhưng vẫn có tình trạng chửi thề. Có những người chửi thề để giải tỏa ức chế, căng thẳng trong lòng mặc dù chửi xong, có khi người ta thấy hối hận. Thế nhưng, có những người đụng cái gì cũng chửi thề, chửi thề liên tục. Tôi thấy có hiện tượng phổ biến là xem chửi thề như là cách thể hiện đẳng cấp. Đấy chính là điều rất nguy hiểm và đáng báo động.

Ở góc độ giáo dục, tôi cho rằng thực tế có một bộ phận giáo viên đang vô cảm với học sinh. Lên lớp, họ không quan tâm, để ý đến các em và nhiều khi dùng những từ ngữ không mang tính sư phạm khi gọi học trò là “chúng mày”, “đồ ngu như bò”… Chúng ta từng nghe câu “Cha nào, con nấy”, “Thầy nào, trò nấy”. Do đó, thầy cô giáo cần xem lại hình ảnh của mình có còn đẹp trong lòng học trò hay không?

Ngày xưa, làm gì có chuyện học trò chửi tục, chửi thề với người thầy của mình. Đó không phải là chuyện phong kiến mà là vấn đề học trò thực sự tôn trọng người thầy. Có được nét đẹp đó  là do người thầy tận tâm tận lực với học trò của mình.

Cần phải chia sẻ nhiều hơn với các em
Minh họa: DAD

Theo tôi, thầy cô giáo phải thực sự có đức, là tấm gương sáng cho học trò. Họ cần có kỹ năng ứng xử - giao tiếp, kỹ năng thuyết phục bằng sự hiểu biết và bằng tâm hồn của mình. Có thể một người hay một ngày không lan tỏa, nhưng nếu có nhiều giáo viên như vậy cộng với quá trình lâu dài sẽ cải thiện quan hệ thầy trò một cách tốt đẹp. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng là những tấm gương cho con cái. Ở khía cạnh khác, có thể ví dụ như với chiếc máy tính, chúng ta cài chương trình gì thì nó sẽ chạy chương trình đó. Do vậy, nếu cha mẹ ích kỷ hẹp hòi thì lâu ngày trẻ em cũng dễ hình thành tính cách như thế.

Theo tôi, những người lớn khi đứng trước mặt con cái, trước mặt học trò phải uốn lưỡi nhiều lần để không văng tục.

Người lớn hay chụp mũ, nâng quan điểm để phê phán các em. Nếu có chỗ tin cậy để giải tỏa thì các em đâu chửi thề nữa. Tôi nhận thấy, nhiều trường có hộp thư “Điều em muốn nói” nhưng lại đặt trong phòng ban giám hiệu, vậy làm sao học sinh dám tỏ bày?

Công tác Đội - Đoàn trong nhà trường cần phát động những chương trình như “Nói lời hay - làm việc tốt” để các em có môi trường rèn luyện. Bên cạnh đó, cần tổ chức những diễn đàn, hay chương trình phát thanh học đường để giúp các em có nơi chia sẻ tâm tư, tình cảm... Tuy nhiên, còn khá nhiều nhà trường không quan tâm đến điều này.

Thạc sĩ Hà Trung Thành, nguyên Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng

Không thể cấm được

Mạng là một nơi giúp mình xả những bức bối trong lòng, nên đôi khi mình có văng một vài câu nói tục để đầu óc thoải mái hơn. Con trai mà. Nếu con gái mà như vậy thì hơi kỳ. Nhưng dù thế nào thì cũng không nên quá trớn, người khác sẽ nhận xét không hay về mình. Còn cấm ư, em nghĩ là không cấm được.

T.C, sinh viên năm 1 Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM

Tôi thích những người giải tỏa sự bực tức bằng kiểu châm biếm

Tôi cũng là một người thường xuyên vào trang mạng xã hội Facebook. Nhưng tôi hoàn toàn không đồng tình với việc có những người lấy tên giả, tên hiệu (nickname) để chửi thề bạt mạng, chửi rất thô tục vì như vậy là không đúng chuẩn thuần phong mỹ tục và đánh mất phép lịch sự. Tôi thích những người giải tỏa sự bực tức của họ bằng kiểu châm biếm thâm thúy và ít nhiều mang tính “nghệ thuật” như trong chương trình “Hỏi xoáy - Đáp xoay” trên truyền hình.

Nguyễn Khai Nguyên 27 tuổi, ngụ P. 11, Q. Phú Nhuận, TP.HCM

Oan cho các em

Chửi thề là một hiện tượng rất phổ biến trên mạng xã hội khác. Đừng nói chỉ có học sinh (một bộ phận) chửi thề mà oan cho các em. Thực ra, học sinh bị ảnh hưởng bởi nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Tôi thấy hiện nay, có nhiều thành phần, trong đó có những người bình thường có vẻ đàng hoàng, đạo mạo nhưng vẫn thích chửi, văng tục trên thế giới ảo.

Rõ ràng, chửi thề là một sự thật đang tồn tại và cư dân mạng hầu như ai cũng chấp nhận chuyện chửi thề đó, không hề lên án mà có khi còn hùa theo chửi thề. Khi lên mạng xã hội, người ta có xu hướng dùng tên ảo để nói về sự thật người ta đang bức xúc trên thực tế. Đó là do người ta sống giữ kẽ với nhau: họ không ưa người nào thì lên mạng kể tội, không cần quan tâm người kia biết hay không biết.

Nguyễn Tử Anh, Giám đốc điều hành Công ty truyền thông Nexus

Gây khó chịu

Không nên lên Facebook để xả stress bằng cách chửi bậy. Một số bạn bè của em văng tục trên mạng, em đọc thấy cũng hơi khó chịu. Lý do các bạn chửi nhau là vì bất đồng ý kiến. Em nghĩ là mọi người nên ăn nói có văn hóa dù là trên mạng. Sẽ không cấm được, nhưng cũng phải hạn chế các bạn sử dụng mạng xã hội như một nơi để muốn làm gì thì làm.

Quang Nhật, học sinh lớp 11 A1 Trường THPT Erns Thalmann, TP.HCM

Nên có diễn đàn văn hóa ứng xử trên mạng

Theo em các bạn không nên văng tục chửi bậy trên mạng, nói chút chút trong giới hạn cho phép thì được chứ không nên thô tục quá. Có thể các bạn nghĩ khi mình nói năng như vậy thì không ai biết mình chửi ai. Tuy nhiên cấm thì cũng không nên, vì đây là ý thức của mỗi người, chỉ nên khuyên nhủ. Thầy cô của em cũng không đề cập, nhưng em nghĩ nên có những diễn đàn văn hóa ứng xử trên mạng. Có thể do các thầy cô không đọc được. Nhưng em nghĩ, không phải ai cũng thích lên mạng văng tục.

Như Quỳnh, lớp 12 A1 Trường THPT Erns Thalmann, TP.HCM.

Con người thứ hai

Có những bạn nam ngoài đời hiền khô, ít nói, nhưng lên mạng lại ăn nói rất táo bạo, thậm chí cũng rơi vào những cuộc tranh luận nảy lửa và văng những lời tục tĩu. Em nghĩ có lẽ đó là một con người khác tồn tại song song với con người ngoài đời thực.

Thúy Lan, sinh viên năm 2 Trường ĐH Sài Gòn

Như Lịch - Mỹ Quyên (ghi)

>> Có nên cấm học sinh sử dụng mạng xã hội ?
>> Trường Lương Thế Vinh “cấm” học sinh nói xấu nhau trên facebook

>> Nữ sinh xúc phạm giáo viên trên facebook được bảo lãnh đi học lại
>> Xúc phạm giáo viên trên Facebook, nữ sinh bị thôi học 1 năm
>> Những ảnh hưởng của Facebook đối với việc học tập
>> Facebook thêm tính năng mừng năm mới
>> Khen, chê Facebook Graph Search
>> Cho thuê "bạn gái giả mạo" trên Facebook
>> Gọi điện miễn phí qua Facebook trên iPhone 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.