|
Cơn sốt gỗ đổi màu bùng phát hơn một tháng nay, tập trung chủ yếu ở H.Krông Năng (Đắk Lắk), thu hút nhiều người xâm nhập, khai thác trái phép gỗ trong khu vực rừng phòng hộ H.Krông Năng và sang cả Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, thuộc địa bàn H.Ea Kar bên cạnh. Nhiều xưởng mộc công khai thu mua gỗ đổi màu để chế tác theo nhu cầu khách hàng. Chủ một xưởng mộc tên Dũng ở xã Cư K’lông, H.Krông Năng cho biết gỗ đổi màu thường để làm các đồ vật trang trí trong nhà như độc bình, lọ hoa, tượng; có đặc tính là sau khi cây được bóc vỏ, chế tác thành đồ vật vài ngày thì gỗ chuyển sang màu xanh thẫm hoặc xanh ngọc tùy theo ánh sáng, nhiệt độ trong ngày. Theo ông Dũng, mỗi khúc gỗ khoảng nửa mét, tiện thành vật trang trí có thể bán với giá từ 1 đến vài triệu đồng, tùy theo vân gỗ và màu sắc biến đổi có đẹp hay không.
Tại kho chứa của Hạt Kiểm lâm H.Krông Năng hiện giữ nhiều súc gỗ đổi màu bề ngoài trông bình thường như gỗ rừng trồng, dài chừng 1-1,5 m, đường kính 20 - 30 cm. Hạt trưởng Nguyễn Văn Kiểm cho biết từ giữa tháng 10, nhiều người dân ở hai xã Ea Tam và Cư K’lông đổ xô săn tìm gỗ đổi màu, khi lực lượng kiểm lâm triển khai ngăn chặn, bắt giữ thì nạn khai thác bớt rầm rộ nhưng chuyển sang hình thức hoạt động lén lút. Ông Kiểm lý giải: “Người dân vào rừng chỉ cần chặt hạ cây, cưa thành vài khúc đưa về trót lọt là kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày. Phần lớn các vụ vận chuyển gỗ đều bằng xe máy độ chế, theo nhiều đường mòn chằng chịt trong rừng, giờ giấc lại khác nhau nên kiểm lâm khó kiểm soát”.
Trong vòng một tháng qua, Hạt Kiểm lâm H.Krông Năng đã bắt giữ, xử lý 15 vụ khai thác, vận chuyển gỗ đổi màu, tịch thu 4,3 m3 gỗ tròn, xử phạt vi phạm hành chính 65 triệu đồng. Theo ông Kiểm, cây đổi màu chỉ là gỗ thông thường chưa có tên gọi, nhưng việc nhiều người đổ xô vào rừng khai thác trái phép với khối lượng lớn sẽ dẫn đến tận diệt loại cây này, gây thiệt hại tài nguyên rừng và làm mất tính đa dạng sinh học của các khu rừng cấm trên địa bàn.
Theo kết quả giám định ban đầu của ông Nguyễn Đức Định, cán bộ giảng dạy môn Cây rừng thuộc Khoa Nông lâm ĐH Tây nguyên, cây đổi màu thuộc họ trôm (Sterculiaceae); có khả năng thuộc chi Reevesia, gọi là trường hùng, hoặc thoa.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận