Trong tất cả những gì ông đã đóng góp cho đất nước, có lẽ Chỉ thị 100 trong nông nghiệp là một thành tựu làm thay đổi cục diện hết sức quan trọng, mang yếu tố bước ngoặt và đồng thời cũng thể hiện sự sâu sát, thực tế và gần dân của một nhà lãnh đạo sau chiến tranh, mà sau này ông Hoàng Tùng kể rằng có người đã nói “ông nào đưa ra sáng kiến khoán sản phẩm nên thờ ông ấy làm Thành hoàng...”.
Trong hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng”, nguyên Chủ tịch Võ Chí Công kể với một giọng chân thành: ... “Sau một thời gian làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thủy sản, tôi được cử sang làm Bộ trưởng Nông nghiệp và phụ trách khối nông, lâm, hải sản. Đây là một lĩnh vực khá quan trọng vì nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân nước ta lúc bấy giờ. Tôi nghĩ vì sao cũng người thanh niên trong hợp tác xã miền Bắc ở miền Nam đánh giặc chịu đựng gian khổ hy sinh lại hăng hái và hết sức tích cực, còn làm ăn trong hợp tác xã thì lại tiêu cực đến thế? Có lẽ đánh giặc cứu nước là động lực nên có tinh thần tích cực, còn trong lao động sản xuất phải chăng chưa tạo ra được động lực!
Trực tiếp đi kiểm tra nhiều nơi và cũng được các tỉnh báo cáo, tôi rất lo lắng. Nếu tình trạng tiêu cực này kéo dài chẳng những sẽ nguy hiểm về kinh tế - xã hội mà còn có thể dẫn đến tiêu cực về chính trị. Với cương vị phụ trách nông nghiệp trước tình trạng tiêu cực tôi thấy hơi ngan ngán, nhưng nghĩ lại trong thời kỳ hoạt động cách mạng, trong chiến tranh có nhiều lúc, có nhiều vấn đề còn khó gấp nhiều lần, thậm chí có những việc tưởng chừng như bế tắc, nhưng rốt cuộc vẫn tìm ra giải pháp, vượt qua, vẫn giải quyết được, nên tôi vững tin hơn. Tôi nghĩ cần đi sâu vào thực tế tìm cho ra nguyên nhân. Khác với những lần kiểm tra trước, đến là hỏi dăm ba câu, anh em dưới trả lời hiện tượng chung chung theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, lần này tôi quyết tâm làm theo phương pháp đánh giặc: xuống sát chiến trường, để hiểu địch, hiểu ta để chỉ đạo, tác chiến. Do đó không xuống tỉnh, không xuống huyện mà tôi đi thẳng xuống một số hợp tác xã. Phần lớn thời gian tôi gặp các đội trưởng, đội phó đi vào một số gia đình xã viên hỏi thật kỹ, cụ thể cách làm của hợp tác xã và ruộng đất 5%..., đi với đồng bào ra ruộng, xem cách làm, gợi ý cho họ phát biểu...”.
Ông lấy cả kinh nghiệm của mình khi đi nhổ cỏ, khi làm đường xe lửa lúc bị bắt ở tù, và viết: “Người ta nghĩ việc làm công nhật và làm công điểm cho hợp tác xã có làm hơn nữa cũng không đem lại lợi ích cho mình, còn làm khoán cũng như làm ruộng 5% người lao động thấy có lợi nên rất hăng hái. Qua đó tôi thấy phải khoán ruộng đất cho xã viên mới tạo được động lực và xóa được tiêu cực...
...“Tôi trực tiếp chỉ đạo hai xã, còn gợi ý với tỉnh nếu có cán bộ, chỉ đạo chặt chẽ thì có thể mở rộng ra một số xã nữa. Đến vụ thu hoạch xong tôi đến huyện (ngày xưa gọi là phủ) Vĩnh Tường và cùng các đồng chí Thường vụ tỉnh, huyện họp nghe báo cáo. Kết quả rất tốt: làm khoán mới được nửa huyện, năng suất và sản lượng tăng trên 20% so với hợp tác xã chưa khoán; số lượng lao động, ngày công lao động tăng 20 - 25%, tinh thần nhân dân phấn khởi, sôi nổi, tiêu cực biến mất. Đánh giá thí điểm thành công tốt đẹp về nhiều mặt, tôi động viên, vụ mùa tới nên làm hết cả huyện, còn toàn tỉnh nếu có cán bộ trực tiếp hướng dẫn, hội nghị tập huấn chỉ đạo chặt chẽ thì làm hết cũng được. Cuộc họp sơ kết khoán ở phủ Vĩnh Tường kết thúc, mọi người đều rất phấn khởi, hào hứng...”.
“Ở Hải Phòng, Nghệ Tĩnh cũng có làm khoán chui ở một số hợp tác xã, nhưng quá đơn sơ chưa thoát ra khỏi cơ chế cũ. Tôi đến Hải Phòng nghiên cứu thêm và tổ chức một cuộc hội nghị bàn về khoán để rút kinh nghiệm về chỉ đạo và tổ chức công tác khoán, bởi vì cách làm có bài bản mới mang lại hiệu quả.
Phong trào khoán bắt đầu nở rộ, tình hình đó giúp cho Bộ Chính trị và Thường vụ Chính phủ có cơ sở để nghiên cứu xem xét. Sau khi tôi tập hợp thí điểm khoán ở Vĩnh Phú và Hải Phòng... Bộ Chính trị và Thường vụ Chính phủ có cơ sở thảo luận nhiều, căn bản nhất trí khoán mới nhưng đi vào cụ thể thì các ý kiến còn khác nhau, cuối cùng các anh giao cho anh Nghị (Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị) và tôi trao đổi thêm, xây dựng dự thảo Chỉ thị 100. Anh Nghị bảo tôi dự thảo, anh sẽ góp ý kiến. Dự thảo xong, anh Nghị có một số ý kiến khác với dự thảo, như vấn đề khoán nhóm. Cuối cùng tôi thỏa hiệp để cho Chỉ thị 100 được ban hành. Tháng 1.1981, Chỉ thị 100 ban hành, các địa phương, các cấp và quần chúng nhiệt liệt tán thành, phong trào khoán mới sôi nổi, phấn khởi đi vào thực tế, cuối cùng là khoán đến người lao động, những ý kiến khác trong Chỉ thị 100 cũng biến mất...”.
Và ông thừa nhận: “Chỉ thị 100 chưa phải đã có tư duy mới đầy đủ, cơ chế quản lý rõ ràng, nhưng cũng bắt đầu từ thực tế đó mà dần dần hình thành tư duy mới, cơ chế quản lý mới trong nông nghiệp”.
Trương Điện Thắng
Bình luận