'Ngừng' hay 'không' ăn thịt thú rừng ?

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
20/04/2024 07:13 GMT+7

Chỉ cần thay đổi từ "ngừng" thành từ "không", thông điệp tuyên truyền ở sự kiện trở nên rõ ràng, đanh thép, mạnh mẽ hơn. Nhưng tất cả sẽ khó có hiệu quả nếu bản thân người dân và cộng đồng không thực sự thay đổi thói quen xem việc ăn thịt thú rừng là "thưởng thức món ngon, món lạ".

Sự kiện hưởng ứng Ngày động thực vật hoang dã thế giới và Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024 do Ban Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tỉnh Quảng Bình phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đã diễn ra rất ấn tượng tại TP.Đồng Hới. Hàng trăm người đã tham dự buổi lễ và diễu hành qua nhiều tuyến phố lớn.

Chuyện sẽ chỉ có thế, nếu như không có 2 email của Ban tổ chức gửi đến cho giới truyền thông trong 2 ngày liền nhau, trước khi buổi lễ diễn ra, để thay đổi 2 từ: "ngừng" và "không".

Cụ thể, thay vì thông điệp "Con người có cặp - thú rừng có đôi, ngừng ăn thịt thú - góp thiện cho đời", Ban tổ chức muốn đổi thành "Con người có cặp - thú rừng có đôi, không ăn thịt thú rừng - góp thiện cho đời". Sự thay đổi này đến từ những góp ý của Ban Quản lý dự án VFBC T.Ư và Ban Quản lý dự án VFBC tỉnh Quảng Bình.

Hẳn sẽ có người đặt câu hỏi: "Vậy có khác gì nhau?. Thực tế, khác rất nhiều, nhất là về giá trị truyền đạt.

Theo cách hiểu của người Việt, "ngừng" là động từ, mang nghĩa "không tiếp tục, phát triển". Còn "không", nếu là tính từ thì chỉ "ở trạng thái hoàn toàn không có những gì thường thấy có", nếu là phụ từ chỉ "biểu thị ý phủ định đối với điều nêu ra sau đó". Vậy rõ ràng, so với thông điệp "ngừng ăn thịt thú rừng", thông điệp "không ăn thịt thú rừng" dứt khoát và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Bởi "ngừng ăn thịt thú rừng" để ngỏ khả năng "sẽ ăn thịt thú rừng" trong tương lai; còn "không ăn thịt thú rừng" là sự dứt khoát từ bỏ.

Quảng Bình, địa phương nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, mong muốn thông qua sự kiện này góp phần tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền và ban ngành, địa phương, kêu gọi cộng đồng cùng hành động để giảm cầu tiêu thụ, chung tay bảo tồn động, thực vật hoang dã. Sau đó, mở ra kỳ vọng lớn hơn là xây dựng TP.Đồng Hới thành "thành phố không thịt thú rừng".

Thông điệp tuyên truyền ở sự kiện là quá rõ, thậm chí đã được thay đổi để được truyền đi đanh thép, mạnh mẽ hơn. Nhưng tất cả sẽ khó có hiệu quả, nếu bản thân người dân và cộng đồng không thay đổi thói quen ăn uống, xem thịt thú rừng là món ngon, món lạ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.