Xem kịch tiếng Hoa ở... Hàn Quốc

08/07/2007 22:56 GMT+7

Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc tọa lạc trên núi Namsan của thành phố Seoul, nơi đặt tháp truyền hình Seoul nổi tiếng. Trong những ngày tháng bảy này, nơi đây còn diễn ra một sự kiện nổi tiếng không kém, đó là vở kịch kinh điển Đợi ông Godot (Waiting for Godot) của nhà văn Samuel Beckett (người Ireland, Nobel Văn chương 1969) do Contemporary Legend Theatre (Đài Loan) dàn dựng trình diễn tại đây.

Chẳng thể nói gì hơn, được làm khán giả vở kịch với tôi quả là một niềm vui khá bất ngờ.  Vở kịch Đợi ông Godot được nhắc đến như tác phẩm có sức ảnh hưởng to lớn, làm thay đổi diện mạo sân khấu thế giới và được xem là tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của Samuel Beckett. Ở Việt Nam, có lẽ hiếm người được xem tác phẩm này trên sân khấu, nhưng khán giả Hàn Quốc thì đã rất quen thuộc với chiều sâu trí tuệ và tư tưởng của vở diễn.

Lần này Contemporary Legend Theatre của Đài Loan mang đến Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc bản dàn dựng Đợi ông Godot theo phong cách hoàn toàn châu Á, dựa trên nghệ thuật ca kịch truyền thống Hàn Quốc, khác hẳn những bản dựng theo phong cách phương Tây của vở diễn trước đây. Contemporary Legend Theatre được thành lập với mục đích là hiện đại hóa nghệ thuật sân khấu truyền thống Trung Quốc.

Hẳn bạn đọc sẽ thắc mắc làm sao khán giả Hàn Quốc và Việt Nam như tôi có thể thưởng thức một vở kịch trình diễn bằng... tiếng Hoa? Một màn hình nhỏ được treo trên cao trước sân khấu, chiếu phụ đề những câu thoại của diễn viên bằng tiếng Hàn và tiếng Anh đã giải quyết vấn đề ngôn ngữ. Ở một thành phố công nghệ cao như Seoul thì việc một khán giả ngoại quốc tiếp xúc vở kịch là không khó, điều khó nhất là nên chọn giá vé nào từ 20 - 70 ngàn won Hàn Quốc?

Cảnh trong vở diễn - Ảnh: www.ntok.go.kr

Biết rằng vở diễn là cơ hội không thể bỏ qua, nhưng câu trả lời cũng rất rõ ràng là chỉ có thể chọn giá vé 20 ngàn won (khoảng 340.000 đồng Việt Nam), nhưng ngộ nhỡ phải ngồi ở hàng cuối trong một khán phòng khoảng 1.563 người, và không thấy được gì thì sao? Một cái tủ nhỏ đặt bán những cái ống nhòm trước sảnh nhà hát khiến tôi thêm chột dạ.

Chậc, đằng nào thì chả móc ví, nhưng chưa kịp trả tiền thì anh bạn người Ai Cập mới quen tên Hosny Mohamad (nhạc công của nhà hát) ào đến chìa ra cái vé ưu tiên giảm giá. Thật là cử chỉ đẹp của chàng nhạc công đến từ xứ sở của Nữ hoàng Cleopatra. Chẳng đợi thêm nữa, tôi bước ngay vào phòng tìm chỗ ngồi, sau đó yên vị chờ ông Godot của S.Beckett.

Vở kịch không sử dụng âm nhạc, chỉ có vài tiếng hồ cầm trầm tịch để mở đầu và kết thúc. Câu chuyện chờ đợi ông Godot được chuyển tải bằng một phong cách đậm đặc chất tượng trưng: Thiết kế sân khấu và hóa trang rất ước lệ, nghệ sĩ sử dụng kỹ thuật biểu diễn và ca kịch Trung Quốc, xen lẫn là những câu thơ ngắn... Những kẻ khốn khó như Didi, Gogo, Frozzo từng ngày chờ ngài Godot đến cứu vãn cuộc đời họ là bi kịch được dẫn dắt từ đầy ắp hy vọng đến nỗi cay đắng, chua chát, thất vọng. Didi và Gogo đã chờ đợi, có lúc hồn nhiên với những trò đùa, niềm vui rất trẻ thơ trong tâm hồn con người, xen lẫn là những tình huống, câu thoại dí dỏm và trí tuệ, nhưng kết thúc là nỗi buồn mênh mang... Cuộc đời và tâm hồn của những con người như Didi, Gogo luôn cần sự cứu rỗi. Nhưng hỡi Godot, ngài vẫn còn ở đâu trong cõi đời này?

Vở kịch kết thúc trong những tràng pháo tay ào ạt của khán giả. Tôi cũng hòa vào tiếng vỗ tay ấy, nhưng lòng trĩu nặng những cảm xúc lẫn lộn. Một nỗi buồn vừa mở ra trong tâm hồn bắt nguồn từ thông điệp vở kịch, sâu thẳm và xao xác. Rồi tôi nhìn những khán giả ở đây, những quý ông, quý bà đạo mạo, rất đông bạn trẻ nữa, có cả những bà sơ... Tôi nghĩ đến vở kịch, các nghệ sĩ Đài Loan đã mượn một tác phẩm nổi tiếng thế giới để làm mới nghệ thuật sân khấu truyền thống mà nội dung chuyển đổi vẫn trọn vẹn. Tôi nhìn ngắm mãi cái cơ ngơi của sân khấu này và nhớ các nghệ sĩ, đạo diễn ở Sân khấu IDECAF, 5B, Phú Nhuận... đã từng san sẻ với tôi giấc mơ về một thánh đường sân khấu.

Quang Thi (từ Seoul)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.