Nhà văn Nguyễn Văn Xuân về với quê nhà

08/07/2007 17:44 GMT+7

Ngày 9.7, nhà văn Nguyễn Văn Xuân có cuộc đi cuối cùng về quê nhà ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trước đó, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã chọn nơi “định cư” vĩnh viễn cho Ông với phác thảo ngôi mộ toát lên tinh thần tĩnh tại, phóng đạt của “một nhà văn hóa lớn” - chữ dùng của nhà văn Nguyên Ngọc.

Ông Phạm Văn Hạng cho hay, ban đầu gia tộc chỉ dành cho 12m2 đất trong nghĩa trang nhưng sau khi ông trưng ra các bài báo viết về Nhà văn- Học giả Nguyễn Văn Xuân và gọi đó là “Vĩ nhân đất Quảng”, bà con ở quê đã vui vẻ nhường đến 100m2. Nhiều nhà báo, nhiều văn nghệ sĩ và đông đảo thân hữu của nhà văn ở miền Nam, miền Trung đã và đang cùng đóng góp kinh phí xây mộ, trong đó có cháu nội ông Lê Cơ - phong trào Duy Tân - là nhà thơ Lê Nguyên Đại ở TP.HCM cũng kịp góp phần.

Đêm 8.7, trước linh cữu nhà văn, một số thân hữu đã tổ chức buổi tưởng niệm Nhà văn- Học giả Nguyễn Văn Xuân trong bầu khí trang nghiêm, xúc động. Mọi người cùng ôn lại những kỷ niệm vui buồn qua những giai đoạn gian truân lẫn can trường với bài học Làm Người Ngay Thẳng của Thầy Xuân. Khi nhà giáo Trịnh Như Thùy đọc bài cảm xúc của mình trước cuộc đi không bao giờ trở lại của nhà văn, bầu khí căn nhà nhỏ trong hẻm K62 Thái Phiên như chùng xuống.

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân, 2003 - Ảnh: Đ.N.K

Nhiều khóe mắt rưng rưng nhưng rồi nhớ đến tinh thần lạc quan, hài hước của “Chàng Xuân”, mọi người cầu mong Ông thanh thản ra đi, nhẹ lòng. Khi còn sống, ông có quá nhiều danh hiệu: nhà văn, học giả, nhà nghiên cứu, nhà viết kịch, nhà diễn thuyết, nhà giáo... nhưng theo chị Như Thùy, cao hơn hết đối với Ông là danh hiệu Con Người. Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng kể chuyện mừng sinh nhật nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu do ông tổ chức: “Ông Xuân giành quyền đọc bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ. Đến câu Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ, thay vì chỉ tay xuống cử tọa, ông xoay lưng lại, chỉ thẳng vào... tường”. Sau đó, nhà điêu khắc được nhà văn giải thích: “Qua mà chỉ xuống, mi mất hết công ăn việc làm”.

Ông Hạng cũng tiết lộ, lúc sinh thời nhà văn mong muốn khi qua đời, được an táng bên dưới ngôi mộ của Ông Ích Khiêm trên đồi Phong Lệ Bắc, do ông mê câu nói nổi tiếng của danh tướng này: Trên chó, dưới cũng chó. Bọn bay chỉ chấu đầu ăn, chẳng lo chi việc nước. 

Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng với mô hình ngôi mộ nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Ảnh: Đ.N.K

Tiễn biệt Ông! Vĩnh biệt Ông! Từ nay, lớp hậu sinh chúng tôi xin được trò chuyện cùng Nhà văn Nguyễn Văn Xuân trên giá sách, trên Google - Internet. Tám mươi bảy năm sống trên cõi nhân gian chật chội, Ông đã kịp làm được bao nhiêu việc cho các thế hệ về sau. Xin bái biệt và kính cẩn cảm ơn Ông...

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.