Suốt 200 năm qua, từ lúc ra đời đến nay, Truyện Kiều không ngừng được nghiên cứu, bình giá, không ngừng được tranh luận, bàn cãi. Và không ít lần, Truyện Kiều đã trở thành tâm điểm của đời sống văn học VN. Từ những hoàn cảnh lịch sử, những cảnh ngộ, những góc nhìn khác nhau, các tác giả đã nhìn nhận giá trị Truyện Kiều theo cách của mình.
Truyện Kiều giống như một điểm tựa để mỗi tác giả lý giải, bày tỏ quan điểm, nhận thức, tình cảm của mình, không phải chỉ riêng về văn chương mà còn về chính trị, về dân tộc, đất nước... Truyện Kiều nhiều khi đã là “hòn đá thử vàng”.
Nhà nghiên cứu Lê Xuân Lít, người tuyển chọn, đã cố gắng sắp xếp khối tư liệu đồ sộ thành những chuyên mục để tiện cho sự theo dõi của người đọc.
200 năm nghiên cứu và bàn luận truyện Kiều là một trong những ấn phẩm đầu tiên của ban sách tham khảo đặc biệt của Nhà xuất bản Giáo Dục. Đây cũng là công trình xứng đáng nhân sự kiện văn hóa lớn: kỷ niệm 240 năm ngày sinh Nguyễn Du (1766-1820).
Mặc dù còn những vấn đề phải bàn như cách sắp xếp chuyên mục, mặc dù còn thiếu một số tư liệu, tác giả, 200 năm nghiên cứu và bàn luận truyện Kiều là một sự tập hợp công phu, cẩn trọng với tinh thần khoa học.
Ý Nhi
(Tuổi Trẻ)
Bình luận