Theo kỹ sư điện thanh - nhạc sĩ Vĩnh Lai thì sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, ngày 12/4/1975 Ban Tuyên huấn Trung ương đã quyết định thành lập một đoàn gồm 12 đồng chí đang làm việc tại Cục Kỹ thuật phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (tất cả đều đã được đào tạo về truyền hình từ các nước XHCN và ở Pháp, có bằng cấp từ kỹ sư đến tiến sĩ - trong đó có kỹ sư Vĩnh Lai) do đồng chí Đặng Trung Hiếu (Phó ban B truyền hình) làm Trưởng đoàn, từ miền Bắc vào phục vụ B2... 15 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, đoàn vào chiếm lĩnh Đài Truyền hình Sài Gòn. Ở đó đã có đoàn của đồng chí Lê Minh Hiền vào tiếp quản trước đó ít giờ. Tất cả đều nằm ngủ ngoài hành lang, không dám vào khu trung tâm vì sợ địch cài bom trước khi tháo chạy. 30 năm sau, nhạc sĩ Vĩnh Lai vẫn còn rất xúc động khi nhớ lại cảnh các sinh viên Văn khoa và Nông - Lâm - Súc đã tự giác tổ chức canh gác, bảo vệ đài khi địch tháo chạy. Cũng chính họ và một số chị em lao động đã tổ chức nấu cơm đưa vào nuôi bộ đội vào tiếp quản đài. 6 giờ sáng ngày 1/5/1975, đoàn tiếp quản tiến dần vào khu trung tâm (studio, đài phát, nhà máy đèn...), kiểm tra thấy toàn bộ thiết bị, máy móc của đài vẫn còn nguyên vẹn nên báo cáo lên Ban Quân quản và lãnh đạo đài, được lệnh: "Cố gắng thực hiện chương trình phát sóng ngay trong đêm 1/5".
Nhà báo Trương Nghĩa Tiến đứng trước Dinh Độc Lập sáng ngày 1/5/1975 |
Nhà báo Trương Nghĩa Tiến vẫn bồi hồi khi nhớ những ngày lịch sử đó: "Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những người làm truyền hình chúng tôi luôn bức xúc: Làm thế nào nắm được Đài Truyền hình Sài Gòn và phát hình sớm nhất. Trên đường tiến quân, đồng chí lái xe chở nhóm chúng tôi do quá nôn nóng nên đã để xe cán lên lề đường, xe bị lật, ai cũng bị xây xát, nặng nhất là anh Lâm Mộc Khôn - bị gãy tay nhưng vẫn theo đoàn về Sài Gòn. Hình ảnh xúc động nhất là anh Lâm Mộc Khôn với cánh tay còn treo dây băng nhưng vẫn là tổng đạo diễn của đêm phát sóng đầu tiên...".
Hà Đình Nguyên
Bình luận