Kinh tế chịu 'tác động kép', Chính phủ kiên trì giữ ổn định, thúc đẩy tăng trưởng

Mai Hà
Mai Hà
22/05/2023 11:30 GMT+7

Sáng 22.5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội XV, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và thực hiện những tháng đầu năm 2023.

Theo báo cáo, năm 2022, trong bối cảnh rất khó khăn, Chính phủ vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội. 

Kinh tế chịu 'tác động kép', Chính phủ kiên trì giữ ổn định, thúc đẩy tăng trưởng  - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo của Chính phủ

NGỌC THẮNG

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới

Cụ thể, năm 2022, GDP tăng 8,02% (báo cáo tại kỳ họp thứ 4 là 8%); GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD (cao hơn so với báo cáo trước đó là 4.075 USD); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,15% (thấp hơn so với báo cáo là khoảng 4%).

Giá trị thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019 - 2022 (tăng 74%), năm 2022 đạt 431 tỉ USD, xếp thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh.

Tuy nhiên, vẫn còn 2 chỉ tiêu chưa đạt là giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu…

4 tháng đầu năm nay, theo Phó thủ tướng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý 1 vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước; CPI có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%.

Một điểm sáng là nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được triển khai. Trong đó, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 723,7 km. Dự kiến, tháng 6 sẽ phấn đấu khởi công đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội; thúc đẩy tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu như khánh thành Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2 sau nhiều năm bị gián đoạn.

Chính phủ cũng đang tích cực triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị về cơ cấu lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại yếu kém. Ngoài ra, 3 nhà máy đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi (Hà Bắc, Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai).

Tỷ lệ mất việc làm, thất nghiệp tăng cao

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá tăng trưởng GDP quý 1 còn thấp hơn cùng kỳ (5,03%). Nhiều địa phương, sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước như Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Thu ngân sách có xu hướng giảm, mặc dù số tuyệt đối tăng nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (18,48%).

Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng. Trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 78.900, giảm 2%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể là 77.000, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, xuất hiện tình trạng người lao động mất việc làm tại một số địa phương, khu công nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao (7,61%); số người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần tiếp tục tăng (tăng 19,02% so với cùng kỳ năm trước).

Theo Chính phủ, nguyên nhân hạn chế, bất cập do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo. Trong khi đó, nền kinh tế có độ mở lớn, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao nên chịu tác động.

Kinh tế chịu 'tác động kép', Chính phủ kiên trì giữ ổn định, thúc đẩy tăng trưởng  - Ảnh 2.

Đại diện các nước, các tổ chức quốc tế tham dự phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng 22.5

NGỌC THẮNG

Đặc biệt, nhiều vấn đề nội tại, yếu kém lâu nay mới dần bộc lộ như thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém. Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...

Sớm trình lộ trình cải cách tiền lương

Về khó khăn, thách thức thời gian tới, dự báo nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm.

Dù vậy, Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung cho các động lực tăng trưởng (về tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu)…

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt; điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp; tập trung chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng.

Tập trung tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật Đất đai (sửa đổi); siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Đặc biệt, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; sớm trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 7 khóa XII.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Tích cực tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp…

Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên. Nghiên cứu, đề xuất Quốc hội về phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu và việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí một cách phù hợp, hiệu quả. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.