Hơn 95% người lao động quay trở lại làm việc

02/02/2023 06:26 GMT+7

Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2023, đến nay, đa số người lao động đã quay trở lại làm việc tại nhiều tỉnh, thành lớn.


DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM SAU TẾT

Ngày 1.2, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết tính đến ngày 31.1 (mùng 10 tết), tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn ổn định. Có 93% DN hoạt động trở lại với 95% người lao động (NLĐ) vào làm việc. Một số DN có NLĐ đi làm lại trong ngày đầu năm đạt mức rất cao như Công ty TNHH Freetrend Industrial (20.080 NLĐ), Công ty TNHH Freetrend Industrial A (11.757 NLĐ).

Đối với đơn vị đông NLĐ nhất TP.HCM là Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (50.563 NLĐ) bố trí thành 2 đợt: đợt 1 có 91% NLĐ làm việc ngày 30.1, số còn lại vào làm việc ngày 1.2, song thời gian làm việc vẫn được bố trí như cuối quý 4/2022 (không tăng ca).

Đây là tín hiệu khả quan, nhưng Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm cảnh báo việc các DN lĩnh vực dệt may - giày da đang tìm kiếm đơn hàng sản xuất cho đến tháng 6.2023 dẫn đến tình hình sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn như thời điểm cuối năm 2022. 

Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp các bên liên quan để nắm bắt diễn biến tình hình lao động và tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động.

Hơn 95% người lao động quay trở lại làm việc      - Ảnh 1.

Hơn 95% người lao động quay trở lại làm việc      - Ảnh 2.

Công nhân của Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) trở lại làm việc với tỷ lệ cao trong những ngày đầu năm

Lê Lâm

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) dự báo 2 kịch bản của thị trường lao động TP.HCM.

Kịch bản thứ nhất, nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn có chiều hướng chậm lại, năm 2023, TP.HCM cần khoảng 280.000 - 300.000 NLĐ. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý 1 cần khoảng 72.000 - 79.000 chỗ làm việc.

Kịch bản thứ hai, nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu tích cực, DN có cơ hội tăng đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất, nhân sự, TP.HCM cần khoảng 300.000 - 320.000 NLĐ. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý 1 cần khoảng 79.000 - 87.000 chỗ làm việc.

Đáng lưu ý, nhu cầu nhân lực của TP.HCM chủ yếu nằm ở 9 ngành dịch vụ chủ yếu (gồm thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn - khoa học công nghệ; giáo dục - đào tạo; y tế) và 4 ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống; hóa dược - nhựa - cao su).

BÌNH DƯƠNG, ĐỒNG NAI THIẾU HÀNG NGÀN LAO ĐỘNG

Chiều 1.2, Sở LĐ-TB-XH Bình Dương cho biết tính đến nay có gần 90% DN trong các KCN hoạt động trở lại sau tết và số công nhân đi làm đạt 90,5% nhưng vẫn đang thiếu hụt hàng ngàn lao động. 

Trong đó, DN có tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc đạt 100% như Công ty CP Green River Furniture; Công ty TNHH Showa Gloves VN (99%); Công ty CP Đầu tư Thái Bình (97%)... Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, cho hay: "Tình hình lao động trở lại làm việc tại DN trên địa bàn cơ bản ổn định. Nguyên nhân do chính sách của các DN đưa ra nhằm giữ chân NLĐ trở lại làm việc như chi trả lương đúng quy định, trả thưởng cũng như có các khoản trợ cấp, hỗ trợ khác...". 

Ông Tài cho biết thêm trước những biến động của thị trường lao động vào những tháng cuối năm 2022 cũng khiến cho NLĐ nhanh chóng quay trở lại làm việc đầu năm theo đúng ngày quy định của DN, hạn chế trong việc tìm kiếm công việc mới… Việc công nhân (CN) quay trở lại làm việc ổn định vào đầu năm cũng đáp ứng được dây chuyền sản xuất của DN và khó có biến động thiếu hụt về lao động như những năm trước. 

Tuy nhiên, hiện nay nhiều DN ở Bình Dương đang bị thiếu hụt lao động và có nhu cầu tuyển dụng gần 10.000 lao động. Cụ thể, một số DN có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn CN như: Công ty TNHH New Wide VN tuyển 940 CN; Công ty May Esprinta VN tuyển 500 CN may có tay nghề; Công ty TNHH May Accasette tuyển 200 CN may có tay nghề; Công ty TNHH Giant Manufacturing Việt Nam tuyển 200 lao động phổ thông chưa có tay nghề sẽ được đào tạo và một số vị trí văn phòng, phiên dịch, kỹ sư...

Còn tại Đồng Nai, tính đến chiều ngày 1.2 hầu hết các DN đều hoạt động trở lại. Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai, đến nay có 1.460/1.587 DN (có tổ chức công đoàn) hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ tết với 584.860/633.776 NLĐ làm việc (đạt tỷ lệ 92,28%). Một số DN sản xuất giày da, may mặc có lượng CN lên đến hàng ngàn người trở lại làm việc đạt tỷ lệ rất cao: như Công ty CP TKG Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) đạt 99%; Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) đạt 98%; Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) đạt 93%. Trong khi đó, một số DN kinh doanh chế biến gỗ do khó khăn về đơn hàng nên bố trí lịch nghỉ tết từ 20 - 25 ngày nên hiện tại vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại. 

Trong khi đó, thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, trong tháng 1.2023, trên địa bàn có gần 100 DN có nhu cầu tuyển dụng hơn 4.500 lao động. Trong đó, lao động phổ thông chiếm hơn 2.600 người. Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai cho biết đầu năm các DN không đăng tuyển CN "ồ ạt" như nhiều năm trước do NLĐ trở lại làm việc sau tết đạt tỷ lệ khá cao. 

Đáng chú ý, một số DN sản xuất giày da, may mặc đã có đơn hàng và có nhu cầu tuyển từ 100 - 400 lao động với nhiều phúc lợi để thu hút lao động. Trung tâm đang đẩy mạnh công tác truyền thông tuyển dụng bằng nhiều hình thức để kết nối việc làm cho DN và NLĐ sau tết. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các sàn việc làm đầu năm để hỗ trợ DN và lao động thất nghiệp sớm tìm được việc làm trong năm mới.

Cần biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất

Ngày 1.2, Tổng LĐLĐ VN cho biết sau 3 năm chịu tác động của dịch Covid-19 không thể về quê đón tết, năm nay, cùng với tình hình một bộ phận NLĐ thiếu, mất việc làm nên hầu hết NLĐ đã về quê đón tết. Sau kỳ nghỉ tết, khoảng 50% DN, NLĐ đã quay lại sản xuất, kinh doanh, làm việc bình thường, NLĐ bắt đầu quay trở lại làm việc ngày 27.1 (tức 6 mùng tháng giêng). Một số địa phương phía nam có tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc thấp như: Tây Ninh 30%, Bình Dương 30%, Tiền Giang 40%, Đồng Nai 40%, Hải Dương 45%... Trong khi đó, các địa phương tập trung các khu công nghiệp lớn có tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc trên 90% như: TP.HCM, Bắc Giang 90%, Bắc Ninh 95%, Hà Nội 95%.

Tuy nhiên, đến ngày 30.1 (tức mùng 9 tháng giêng), cả nước đã có hơn 95% NLĐ đã quay trở lại làm việc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN diễn ra bình thường. Nhiều địa phương có tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc cao trên 95% như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, TP.HCM... Tại Hà Nội, ông Phạm Quang Thanh, Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội, cho biết đến ngày 30.1, có 99,2% DN đã mở xưởng để sản xuất, với 97,8% NLĐ trở lại làm việc. Riêng ngành dệt may, do các DN thiếu đơn hàng sản xuất nên đến nay có 67,74% DN mở cửa sản xuất, với 69,06% số công nhân quay trở lại làm việc. Ngay từ ngày đầu làm việc, công nhân, viên chức, NLĐ đã tích cực hưởng ứng việc đăng ký các công trình, sản phẩm chất lượng cao.

Theo Tổng LĐLĐ VN, trước, trong và sau tết, các cấp công đoàn đã chủ động thực hiện, phối hợp với chính quyền các cấp làm tốt công tác phòng ngừa tranh chấp lao động, qua đó góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động trong dịp tết 2023, tranh chấp và ngừng việc tập thể giảm so với dịp tết năm 2022. Để ổn định đời sống CN, lao động sau tết, Tổng LĐLĐ VN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ DN để ổn định sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với NLĐ bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp do DN bị cắt, giảm đơn hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.