F-16 sắp tới Ukraine 'cứu' chiến thuật của Kyiv

Trí Đỗ
Trí Đỗ
28/04/2024 12:20 GMT+7

Theo dự kiến, Ukraine sẽ nhận được phi đội máy bay chiến đấu F-16 vào mùa hè năm nay, nhằm đối phó với các hệ thống phòng không tiên tiến và tên lửa không đối không tầm xa của Nga.

Bốn thành viên NATO gồm Bỉ, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan, cam kết gửi hàng chục chiếc F-16 tới Ukraine. Các máy bay chiến đấu dự kiến sẽ đến vào một thời điểm nào đó trong mùa hè năm nay, với lộ trình sớm nhất được cho là vào tháng 6, theo Business Insider ngày 27.4.

Ukraine lần đầu yêu cầu F-16 từ các đối tác phương Tây trong những tuần đầu Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2.2022. Song, vào mùa hè năm 2023, Mỹ mới phê duyệt các yêu cầu chuyển giao F-16 của bên thứ ba cho Ukraine để nước này nhận được F-16, khi quá trình đào tạo các phi công hoàn thành. Đan Mạch và Hà Lan, 2 quốc gia NATO đào tạo phi công lái F-16 cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (lần lượt thứ 2 và thứ 3 từ phải sang) đi bộ gần một chiếc F-16, ở Eindhoven (Hà Lan) ngày 20.8.2023.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (lần lượt thứ 2 và thứ 3 từ phải sang) đi bộ gần một chiếc F-16, ở Eindhoven (Hà Lan) ngày 20.8.2023.

REUTERS

Thế khó của F-16 ở Ukraine

Các cựu phi công quân sự Mỹ cho biết mặc dù F-16 kinh qua nhiều chiến trường nguy hiểm trong nhiều năm qua, chúng vẫn có thể đối mặt với thách thức chưa từng có trên tiền tuyến Ukraine.

Ông John Baum, thành viên thường trú cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell (Mỹ) và cựu trung tá Không quân Mỹ, nói rằng F-16 tham gia vào Chiến dịch Bão táp Sa mạc tại Iraq của Mỹ trong Chiến tranh vùng Vịnh (2.8.1990 - 28.2.1991) là một tình huống rất khó khăn, thậm chí cực kì thử thách.

F-16 sẽ gặp thách thức chưa từng thấy ở Ukraine trước quân đội Nga?

 Tuy nhiên, "nếu những chiếc F-16 trên tiền tuyến Ukraine đối phó Nga, không còn nghi ngờ gì nữa, đây là kịch bản khó khăn nhất mà loại khí tài này sẽ đối mặt", ông Baum nhận định.

F-16 trên tiền tuyến Ukraine sẽ phải đối mặt với một số thách thức từ Nga như hệ thống tên lửa phòng không S-300 và S-400; chiến đấu cơ Su-35 và MiG-25 được trang bị tên lửa R-37 tầm xa, hệ thống radar và cảnh báo sớm có thể phát hiện mối đe dọa cách xa ngàn dặm.

F-16 sắp tới Ukraine 'cứu' chiến thuật của Kyiv- Ảnh 2.

Hình ảnh một chiếc máy bay F-16 từ Na Uy chuyển giao cho Romania tại Căn cứ Không quân Rygge (Na Uy) vào ngày 28.11.2023.

AFP

Ông Brynn Tannehill, chuyên gia quốc phòng và cựu phi công Hải quân Mỹ nói rằng Nga có rất nhiều cách để phát hiện những chiếc F-16 này. Đặc biệt, kho vũ khí hệ thống đất đối không của Nga hiện đại và tiên tiến hơn nhiều so với những hệ thống mà F-16 đã đối đầu trong các cuộc xung đột trước đây.

"Cứu" chiến thuật của Ukraine

Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng F-16 có thể hỗ trợ ngăn chặn kho vũ khí phòng không mạnh mẽ của Nga và thực hiện các nhiệm vụ áp chế phòng không đối phương (SEAD), cũng như phá hủy hệ thống phòng không của đối phương (DEAD).

Ukraine đang sở hữu tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 HARM do Mỹ cung cấp, có thể phá hủy các hệ thống radar của đối phương, nhưng các loại máy bay chiến đấu hiện có của Kyiv không phù hợp với loại khí tài này. Trong khi đó, F-16 được thiết kế để phù hợp với AGM-88 HARM, cho phép nhắm mục tiêu linh hoạt và hiệu quả hơn.

Ông Baum cho rằng, Nga có lẽ có một trong những hệ thống phòng không tích hợp mạnh mẽ và tiên tiến nhất trên thế giới, nhưng F-16 sẽ có khả năng xây dựng kịch bản tình huống và cung cấp lộ trình cho các lực lượng của Ukraine. Sau đó, các máy bay chiến đấu có thể tận dụng hệ thống AGM-88 HARM và tên lửa để tấn công các radar của Nga.

Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Hà Lan cất cánh ngày 4.7.2023

Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Hà Lan cất cánh ngày 4.7.2023

REUTERS

Ông Baum nhận định một trong những vấn đề lớn nhất mà máy bay chiến đấu sẽ phải đối mặt là cách bố trí địa điểm hoạt động. Khi các máy bay F-16 của Ukraine cất cánh, chúng có thể ngay lập tức nằm trong tầm bắn của các hệ thống đất đối không của Nga. Các phi công Ukraine có thể bị "quan sát và nhắm mục tiêu trước khi họ bắt đầu thực hiện chiến thuật của riêng mình".

Trong vai trò phòng thủ, F-16 có thể bổ sung thêm một lớp cho mạng lưới phòng không của Ukraine, vốn bị mỏng đi trong những tháng gần đây do kho vũ khí dự trữ cạn kiệt và tình trạng trì hoãn các gói viện trợ từ Mỹ và phương Tây.

Ukraine sẽ đẩy mạnh tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bất chấp lo ngại của Mỹ?

Ukraine đã có tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewindertên lửa đối không tiên tiến AIM-120 trong kho vũ khí. Các loại khí tài này có thể bổ trợ cho những chiếc F-16 nhằm giúp Ukraine đánh chặn máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và chiến thuật bom lượn của Nga. Bên cạnh đó, F-16 có thể giúp bổ sung cho hệ thống phòng không hiện có của Kyiv, bao gồm các hệ thống từ thời Liên Xô, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và hệ thống phòng không NASAMS.

Do đó, theo các chuyên gia, sự xuất hiện của F-16 có thể tình hình chiến trường bớt căng thẳng. Ông Tannehill đánh giá rằng: "Ukraine đã và đang làm rất nhiều việc để làm giảm khả năng của Nga trong việc chống phát hiện máy bay của Kyiv. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Ukraine mong muốn có được những chiếc F-16 và có thể đẩy chúng tiến xa hơn một chút".

Ukraine gặp khó trên tiền tuyến

Tướng Oleksandr Syrskyi - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine thừa nhận Ukraine đang gặp khó khăn khi chiến đấu với Nga, theo Đài RT ngày 27.4. "Tôi đã thông báo cho các nước NATO về tình hình chiến lược và hoạt động khó khăn, thậm chí có xu hướng trở nên tồi tệ hơn. Kyiv cần khẩn cấp tên lửa, đạn dược, vũ khí và thiết bị quân sự", ông Syrskyi đăng tải bài đăng trên Telegram hôm 27.4.

Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo rằng "kỷ nguyên hòa bình ở châu Âu đã kết thúc" và Kyiv chắc chắn sẽ cần thêm trợ giúp để chiến đấu với Nga, theo The Guardian ngày 24.4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.