Chan La Cà, Oops Banana: Làm gì để không bão hòa giữa vô số YouTuber khác?

26/02/2022 10:00 GMT+7

Là những nhà sáng tạo nội dung đã khẳng định được tên tuổi và tầm ảnh hưởng trên nền tảng YouTube, Oops Banana và Chan La Cà có rất nhiều trải nghiệm để chia sẻ về hành trình của một YouTuber từ lúc mới bắt đầu chập chững vào nghề cho đến khi đạt được những cột mốc đáng nể. Với việc tập trung khai thác nội dung mảng du lịch (kết hợp cùng trải nghiệm ẩm thực và văn hóa), Chan La Cà và Oops Banana còn có rất nhiều chia sẻ về kinh nghiệm làm việc cùng ekip cũng như tham gia vào hệ thống mạng đa kênh để hỗ trợ cho việc sáng tạo nội dung. Hãy theo dõi tập 3 của talkshow “Trở thành nhà sáng tạo YouTube” để không bỏ lỡ những chia sẻ cực kỳ hữu ích này nếu bạn muốn bắt đầu hành trình làm một nhà sáng tạo nội dung YouTube.

Chan La Cà tên thật là Hoàng Minh Tuấn (sinh năm 1991), trước khi trở thành travel vlogger như hiện tại, anh từng là Partner Manager (quản lý đối tác) và Event Manager (quản lý sự kiện) của METUB Network, mạng lưới đa kênh của YouTube tại Việt Nam. Kênh YouTube Chan La Cà hiện có gần 200.000 lượt đăng ký theo dõi.

Chan La Cà cho biết anh là một người trẻ với ước mơ và khát vọng la cà dọc Việt Nam và nhìn ngắm thế giới. Do đó, nội dung kênh Chan La Cà tập trung khai thác nội dung du lịch, phượt, trải nghiệm và khám phá những khu vực Việt Nam. Các video của Chan La Cà mang màu sắc bình dị, mộc mạc, gần gũi, với giọng kể truyền cảm đã chạm được đến nhiều người xem.

Chan La Cà và Oops Banana là 2 khách mời trong tập 3 của talkshow "Trở thành nhà sáng tạo YouTube"

Ảnh: nvcc - đồ họa: quỳnh phương

Oops Banana, tên thật Phạm Văn Dũ (sinh năm 1992), là nhà sáng tạo nội dung YouTube nổi danh trong cộng đồng các nhà sáng tạo với lượt đăng ký theo dõi lên đến gần 5 triệu lượt. Oops Banana thường xuyên thực hiện những video chủ đề ẩm thực, du lịch và khám phá Việt Nam và thỉnh thoảng là những video đề cập đến các vấn đề xã hội.

Một điều rất đặc biệt từ Oops chính là sự thay đổi không ngừng trong các chủ đề video khiến khán giả liên tục đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác mỗi khi anh chàng đăng tải video mới.

Người muốn bắt đầu làm YouTube thì phải học ở đâu?

PV: Việc của các nhà sáng tạo YouTube là... tự sáng tạo. Nghĩa là, không có một hệ thống giáo dục chính thức nào cho những người bắt đầu làm nghề Sáng tạo Nội dung, nói như vậy có đúng hay không? Vậy một người muốn bắt đầu làm YouTube thì phải học ở đâu?’

Oops Banana: Khi còn là sinh viên ngành công nghệ, mình đã có ước mơ trở thành một YouTuber như những bạn mà mình xem video trên YouTube. Lúc đó, mình mới bắt đầu lên mạng tìm hiểu nhưng thực sự thời điểm đó cũng chưa tìm được thông tin cụ thể. Mình cứ tìm từ khóa như là “How to become a YouTuber” (PV - Làm thế nào để trở thành YouTuber) rồi tình cờ mình biết đến Học viện sáng tạo - Creator Academy của YouTube. Đó là nơi cung cấp thông tin chính thức từ YouTube. Khi đọc được những thông tin trên đó thì mình mới bắt đầu áp dụng để làm các video của mình cho đến bây giờ luôn.

Creator Acedemy của YouTube là nơi mà cả Chan La Cà và Oops Banana học hỏi ở thời kỳ mới bắt đầu

Ảnh: nvcc - đồ họa: quỳnh phương

Chan La Cà: Khoảng năm 2016, mình lên mạng và xem các clip reaction (phản ứng) của người nước ngoài về một chuyện gì đó và mình rất thích. Mình bắt đầu làm những video như vậy ở Việt Nam và rất may mắn là những video đầu tiên, có video được 5 triệu view trên YouTube. Mình muốn tìm hiểu thêm về YouTube, về cơ chế hoạt động của nền tảng và cách các bạn làm tối ưu từ khóa như thế nào nên mình xin vào làm việc ở một network (hệ thống mạng đa kênh) đó là METUB. Trong quá trình mình làm việc ở đó thì càng ngày mình càng học được nhiều, hiểu hơn về công việc này. Ngoài việc học hỏi từ Creator Academy thì mình còn học hỏi từ các nhà sáng tạo khác bằng cách xem nhiều video của họ.

Có nhất thiết phải gia nhập MCN (hệ thống mạng đa kênh) để thành công?

Theo bà Quyên Lê - CCO của METUB, MCN/Multi Channel Network - hệ thống mạng đa kênh, là một công ty đã được YouTube chứng nhận là đủ khả năng để liên kết nhiều kênh YouTube và có nhân sự hỗ trợ các kênh YouTube phát triển. Thông thường, mỗi MCN sẽ có 3 hỗ trợ chính về 4 mảng là: nội dung (tư vấn, định hướng và cập nhật xu hướng nội dung), kỹ thuật (tối ưu tìm kiếm và khắc phục các vấn đề kỹ thuật), cập nhật chính sách YouTube và tối ưu, phát triển doanh thu.

Các MCN cũng sẽ thường xuyên tổ chức những buổi workshop để cập nhật các thông tin, chính sách mới cũng như để các nhà sáng tạo chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Theo bà Quyên Lê, điều kiện đầu tiên để gia nhập vào MCN là việc một nhà sáng tạo phải có nội dung đăng tải trên kênh và phải đáp ứng các điều kiện về chính sách của YouTube đồng thời nội dung phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Bà Quyên Lê - CCO của METUB

nvcc

Trước khi một nhà sáng tạo gia nhập MCN thì mỗi MCN đều sẽ có bộ phận kiểm duyệt để xem nhà sáng tạo đó có thực sự phù hợp hay không rồi mới tiến tới ký hợp đồng phát triển lâu dài.

PV: Với Oops Banana, Chan La Cà thì việc gia nhập vào một MCN có phải là điều bắt buộc nếu muốn thành công hay không?

Oops Banana: Các bạn hãy tưởng tượng, khi mình mới bắt đầu và đang mù mờ về con đường phía trước, nếu có một người đứng cạnh mình và tư vấn cho mình thì hành trình sẽ dễ dàng hơn tuy nhiên việc có gia nhập MCN hay không thì không phải là điều bắt buộc. Một nhà sáng tạo vẫn có thể tự mình tìm hiểu các thông tin, tự mình làm các vấn đề kỹ thuật và tối ưu hóa nếu đã nắm đủ và chắc các kiến thức, các kỹ năng.

Khi bắt đầu làm YouTube, trong 2 năm đầu tiên thì đa phần mình tự làm hết. Sau đó, mình gia nhập 1 công ty quản lý và được công ty hỗ trợ nhiều hơn về xây dựng hình ảnh và ký kết hợp đồng quảng cáo. Đó cũng là một hướng đi khác cho các nhà sáng tạo nội dung. Theo mình thì điều quan trọng nhất là bạn biết mình muốn gì và sẽ làm gì tiếp theo.

Cả Chan La Cà và Oops Banana cho rằng gia nhập MCN có nhiều lợi thế nhưng không phải điều bắt buộc

Ảnh: nvcc - đồ họa: quỳnh phương

Chan La Cà: Với những bạn bè làm YouTube của mình, có người gia nhập MCN nhưng cũng có người làm việc trực tiếp với YouTube. Khi mình làm việc trực tiếp với YouTube thì mình làm nhiêu hưởng nhiêu còn khi gia nhập MCN thì sẽ phải chia sẻ doanh thu.

Nhưng mình nghĩ việc chia sẻ doanh thu cũng là hợp lý vì nhà sáng tạo sẽ nhận được nhiều lợi ích như được hỗ trợ địa điểm quay, có sẵn kho nhạc xịn, hướng dẫn và gợi ý về nội dung cũng như cơ hội được kết hợp với các nhà sáng tạo khác.

Để làm nội dung mảng du lịch, cần đầu tư máy móc xịn?

PV: Với công việc sáng tạo nội dung ở mảng du lịch, khám phá thì các bạn thường chuẩn bị những gì trước mỗi chuyến đi để có được sản phẩm tốt nhất?

Oops Banana: Trước mỗi chuyến đi, mình thường tìm hiểu thông tin về địa điểm trước rồi sử dụng các mối quan hệ để tìm kiếm 1 người ở địa phương để hướng dẫn, đồng hành cùng mình trong hành trình khám phá ẩm thực và các địa điểm tại vùng miền đó.

Chan La Cà: Trước mỗi chuyến đi, chắc chắn mình sẽ tìm hiểu về địa điểm trước như những địa điểm du lịch nổi tiếng, các món ăn đặc sản hay những nét văn hóa vùng miền nổi bật. Mình cũng sẽ tìm một số bạn đồng hành là người địa phương để họ hướng dẫn mình.

"Máy móc quan trọng" nhưng tư duy nội dung mới là điều cốt lõi

Ảnh: nvcc - đồ họa: quỳnh phương

PV: Xem các video của Chan La Cà thì thấy hình ảnh bạn quay rất đẹp, rất công phu. Có phải bạn đầu tư nhiều vào máy móc không và liệu máy móc xịn có phải là điều bắt buộc để tạo ra các nội dung hay?

Chan La Cà: Có lẽ để tạo ra những hình ảnh đẹp thì việc có máy móc tốt là điều đương nhiên. Ví dụ những cảnh cần quay ở trên cao thì phải có flycam chứ mình không thể leo lên núi hay lên cây để quay xuống được. Hay để quay những con vật rất nhỏ như kiến hay bọ thì phải có những ống kính micro chuyên dụng. Câu trả lời của mình là máy móc tốt thì rất cần nhưng không phải là bắt buộc. Mình biết có những bạn chỉ quay bằng điện thoại thôi nhưng vẫn cho ra những video rất hay, rất hiệu quả. Cách kể câu chuyện hay và truyền cảm hứng mới là điều cốt yếu.

PV: Hiện nay, du lịch và ẩm thực đang là những mảng nội dung được nhiều nhà sáng tạo theo đuổi. Với thị trường đầy rẫy cạnh tranh này, các bạn làm cách nào để nội dung của mình không bị hòa lẫn?

Oops Banana: Gần đây nhiều bạn trẻ chọn làm nội dung về du lịch và ẩm thực, mình nghĩ rằng có nhiều người cho rằng đây là những mảng dễ làm, gần gũi và dễ tiếp cận. Giữa các nội dung trên thị trường hiện nay thì mức độ cạnh tranh đã tăng lên rất nhiều. Để làm tốt công việc này thì mình phải luôn biết cách cải thiện chất lượng nội dung mỗi ngày. Như anh Chan La Cà chia sẻ thì mình phải đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng hình ảnh, đầu tư cách kể chuyện để nội dung lôi cuốn hơn.

Với Oops Banana, để không bão hòa thì phải cố gắng mỗi ngày

Ảnh: nvcc - đồ họa: quỳnh phương

Chan La Cà: Khoảng 2-3 năm trở lại đây thì số lượng người làm nội dung về du lịch khá là nhiều. Mình vẫn thường ví mảng du lịch và ẩm thực như một chiếc bánh có ngon, ngọt và đắng. Và miếng bánh ngon ngọt chỉ dành cho những người đầu tư nhiều thời gian và chất xám. Nên một nội dung có được đón nhận hay không thì tất cả tùy thuộc vào mức độ đầu tư của nhà sáng tạo đó.

PV: Cảm ơn Chan La Cà và Oops Banana vì những chia sẻ rất hữu ích ngày hôm nay!

Trở thành nhà sáng tạo YouTube

Ảnh

“Trở thành nhà sáng tạo YouTube” là chuỗi talkshow do Báo Thanh Niên tổ chức nhằm giải đáp những thắc mắc, chia sẻ về câu chuyện nghề và thưởng thức những phút giây giải trí cùng các sáng tạo nội dung nổi bật trên nền tảng YouTube. Các tập tiếp theo sẽ lên sóng theo khung giờ cố định lúc 20 giờ thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần trên kênh YouTube Báo Thanh Niên, fanpage Facebook Báo Thanh Niên và Thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.