Cảnh báo nguy cơ khủng hoảng nước sạch

25/04/2024 06:26 GMT+7

Không chỉ Bình Thuận hay vùng ĐBSCL phải đối mặt với tình trạng hạn hán, ngập mặn báo động, chính quyền TP.HCM cũng kêu gọi người dân trữ nước ngọt, sử dụng tiết kiệm trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan.

Nguồn cung nước ngọt đang bị đe dọa

Cụ thể, UBND TP.HCM giao UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến về thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.

Khô hạn ở Tánh Linh - Bình Thuận

Khô hạn ở Tánh Linh - Bình Thuận

Đào Ngọc Thạch

Chỉ đạo của UBND TP.HCM được phát đi trong bối cảnh từ đầu năm đến nay Tây nguyên và Nam bộ gần như không có mưa. Nắng nóng tại Nam bộ xuất hiện ở miền Đông từ nửa cuối tháng 2 và mở rộng dần sang miền Tây trong tháng 3, dự báo sẽ kéo dài đến nửa đầu tháng 5.

Thực tế, dù xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân TP.HCM nhưng nguy cơ đang chực chờ. Minh chứng là đợt triều cường đầu tháng 2 âm lịch được xem là bất thường khi hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai đạt và duy trì ở mức cao trên báo động (BĐ) 3 trong 2 ngày liên tiếp.

Trong những ngày tiếp theo, đỉnh triều cao trên mức BĐ 2. Tại TP.HCM, rủi ro thiên tai do triều cường cao đạt cấp độ 2, có khả năng gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp ven sông, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân địa phương, đặc biệt ở Cần Giờ và Nhà Bè. Triều cường cao mang theo độ mặn từ biển lấn sâu vào các kênh rạch. Tính tới ngày 13.3, bản đồ đo mặn trên sông Sài Gòn cho thấy tại trạm Nhà Bè mặn lên tới 16,4‰, tại trạm Thủ Thiêm lên tới 7,8‰ còn Lái Thiêu (Bình Dương) là 1,4‰.

Chưa kể nguồn nước thô hiện nay đang có xu hướng bị ô nhiễm. Hệ thống cấp nước của TP.HCM được lấy từ 2 nguồn chính là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, đều là hạ nguồn của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và được điều tiết bởi 2 hồ chứa phía thượng nguồn. Trong khi đó, theo ước tính, phía thượng nguồn sông Sài Gòn, Đồng Nai có tới gần 50 nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp xả thẳng nước thải ra sông nên nguy cơ gây ô nhiễm rất cao.

Mặt khác, lãnh đạo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết hệ thống cấp nước từ nguồn đến mạng tại TP.HCM hiện nay chưa đảm bảo khả năng điều tiết nước 100%, nếu một trong số các nhà máy nước hoặc một tuyến ống truyền tải chính bị sự cố có thể ảnh hưởng đến khả năng cấp nước của TP. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự cố hàng trăm hộ dân tại chung cư Ehome S (TP.Thủ Đức) phải xếp hàng trắng đêm lấy nước sinh hoạt do bị cúp nước bất ngờ hồi đầu tháng 4 vừa qua.

Ngoài ra, việc TP tiếp tục thực hiện kế hoạch hạn chế khai thác nước ngầm (các trạm nước ngầm, nhà máy nước ngầm Tân Phú, Bình Hưng sẽ giảm sản lượng khai thác nước ngầm theo lộ trình), tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu sử dụng nước của khách hàng cao đều ảnh hưởng đến khả năng cấp nước của Sawaco. Vì vậy, đơn vị này đang tiếp tục tuyên truyền, kêu gọi người dân sử dụng nước tiết kiệm với thông điệp: "Tiết kiệm nước sạch chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình".

Phải tính tới những giải pháp táo bạo, đột phá

TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, đánh giá trong điều kiện biến đổi khí hậu, nắng nóng ngày càng nhiều, mưa ít, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nguồn cung ứng ngày càng ít và nguy cơ ô nhiễm như hiện nay thì vấn đề sử dụng tiết kiệm nước ngọt ngày càng trở nên cấp thiết. Theo ông, TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL chưa đến nỗi khô hạn, hoàn toàn thiếu nước như tình trạng đang diễn ra tại Bình Thuận.

TP.HCM vẫn còn cơ hội để dịch chuyển nguồn nước từ nơi khác về, đơn cử như đưa nước từ hồ Trị An xuống. Dựa vào địa thế từng vùng và kinh phí, có thể tính toán dẫn nước từ những vùng cao, còn nguồn nước ngọt dồi dào, đưa xuống vùng đang thiếu thốn. Giải pháp đơn giản nhất hiện nay là dùng xe bồn, sà lan chở nước hoặc xây dựng mạng bơm truyền nước. Sử dụng phương án nào thì cần có khảo sát về mặt kỹ thuật và so sánh các phương án kinh tế sao cho phù hợp với từng khu vực. Bên cạnh đó, tại sông Đồng Nai nên xây dựng các hồ chứa nước, kết hợp cân đối nguồn sử dụng, mức độ ưu tiên.

Cảnh báo nguy cơ  khủng hoảng nước sạch- Ảnh 2.

Người dân trữ nước ngọt ở Gò Công, Tiền Giang

"Tất cả các giải pháp như lọc nước mặn thành nước ngọt, dẫn truyền nước từ nơi thừa tới nơi thiếu, thậm chí là làm mưa nhân tạo thì cũng đều đã có kỹ thuật và được triển khai tại nhiều nước trên thế giới. Vấn đề là kinh phí đắt đỏ và phải tính toán xem bài toán kinh tế có hiệu quả hay không. Ứng phó biến đổi khí hậu hiện nay, đầu tiên phải từ sự thay đổi trong hành vi. Mỗi người, mỗi nhà phải tự chuyển đổi sử dụng nước tiết kiệm. Ngay cả trong các hoạt động trồng trọt, sản xuất cũng phải giảm bớt những cái không cần thiết. Đơn cử như vùng ĐBCSL có thể phải chấp nhận giảm bớt diện tích trồng lúa, chuyển sang những hoạt động khác hữu hiệu hơn bởi trồng lúa đòi hỏi nguồn nước tưới rất lớn…", TS Lê Anh Tuấn nêu ý kiến.

Bàn về tương lai xa hơn, PGS-TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, cho rằng đã đến lúc VN cần tính toán, nghiên cứu những giải pháp đột phá, căn cơ hơn để giải quyết bài toán khủng hoảng nước sạch. Đơn cử, một số nước trên thế giới đã thử triển khai và ứng dụng công nghệ làm mưa nhân tạo để ứng phó hạn hán. Mặc dù về hiệu quả, tác động vẫn còn nhiều nghi vấn và tranh cãi, cần thời gian dài để xác nhận, song trong bối cảnh nguồn nước ngày càng khan hiếm, chúng ta cũng cần tính toán thí nghiệm, đánh giá để sẵn sàng ứng dụng khi cần thiết. Về mặt kỹ thuật thì VN hoàn toàn có thể làm được, vấn đề chỉ là chi phí. Tương tự, công nghệ lọc nước nhiễm mặn thành nước ngọt, VN đã ứng dụng rồi nhưng ở quy mô nhỏ do chi phí cao. Cần nghiêm túc tính toán về hiệu quả kinh tế, chi phí vận hành để lên kế hoạch phù hợp.

"Trung Quốc đã phải hình thành nên những công trình khổng lồ trị giá hàng tỉ USD để dẫn nước đi hàng ngàn km từ các vùng Tây Tạng xuống thành thị. VN cũng cần tiến tới làm những kênh dẫn nước lớn song song hệ thống đường cao tốc hoặc tận dụng các kênh thủy lợi có sẵn. Không chỉ từ biến đổi khí hậu, tài nguyên nước giờ còn trở thành vấn đề bức thiết trên bình diện quốc gia. Sau khi Campuchia hình thành kênh dẫn nước, chặn thêm nguồn từ dòng Mê Kông thì tình trạng khô hạn, nhiễm mặn vùng ĐBSCL sẽ còn trầm trọng hơn nữa, thậm chí không còn đủ "cửu long" (9 cửa sông). Vì thế, VN cần xây dựng chiến lược phát triển ngay từ bây giờ, mạnh dạn đề ra những giải pháp táo bạo để cùng nghiên cứu, triển khai. Trước sau gì chúng ta cũng buộc phải hành động!", PGS-TS Lê Hùng Anh nhấn mạnh.

Theo PGS-TS Lê Hùng Anh, một số quốc gia như Úc đưa chính sách tiết kiệm nước bằng cách "đánh" thẳng vào túi tiền người dân, tăng giá nước, thậm chí ra định mức cho từng khu vực. Có thể trong tương lai, VN cũng phải tính tới chủ trương này nhưng cần lưu ý nước là nhu cầu cơ bản của cuộc sống nên chính sách phải được xây dựng phù hợp, nhất là với đối tượng dễ bị tổn thương. Có thể không tăng giá nước tại những nơi người dân thu nhập thấp, khó tiếp cận nguồn nước sạch, bù lại, siết ở những TP lớn, những điểm du lịch có nhiều du khách để họ sử dụng tiết kiệm lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.