6 tổ CSGT của Bộ phạt nồng độ cồn cả nước: Chưa nhận phản hồi nào từ cơ quan có cán bộ vi phạm

05/10/2023 12:54 GMT+7

Cục CSGT có 6 tổ công tác xử phạt nồng độ cồn trên cả nước và đã phát hiện nhiều cán bộ, đảng viên, công chức… vi phạm.

Từ 25.8 đến nay, Cục CSGT phối hợp các đơn vị triển khai 6 tổ công tác trực tiếp thực hiện kiểm soát, phát hiện vi phạm nồng độ cồn trên cả nước. 

Sau hơn 1 tháng, tổ công tác đã lập biên bản hơn 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có gần 180 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Các trường hợp này đều bị CSGT gửi thông báo về đơn vị công tác.

CSGT đã xác minh thông tin thế nào khi cán bộ, công chức cố ý giấu thông tin?

Tại sao Cục CSGT phải trực tiếp xử phạt?

Trong 9 tháng đầu năm 2023, CSGT toàn quốc xử lý hơn 550.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm hơn 22% tổng vụ việc xử phạt). Đại diện Cục CSGT cho biết, Bộ Công an xác định vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông.

Cục CSGT phạt nồng độ cồn: Cán bộ vi phạm giấu thông tin, xác minh thế nào? - Ảnh 1.

CSGT cả nước quyết liệt xử phạt nồng độ cồn từ năm 2022 đến nay

Nhật Thịnh

Thời gian qua, CSGT trên cả nước đã thực hiện thường xuyên các chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, đặc biệt từ năm 2022 đến nay. CSGT xử lý nghiêm lỗi này để xây dựng thói quen "Đã uống rượu bia thì không lái xe" của người tham gia giao thông.

Theo Cục CSGT, Bộ Công an đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 23 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 10 trong năm 2023. Công an các địa phương cũng tham mưu Tỉnh ủy, Thành ủy ban hành văn bản nhắc đến việc xử lý nồng độ cồn không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không can thiệp vào việc xử lý vi phạm của CSGT.

Cục CSGT phạt nồng độ cồn: Cán bộ vi phạm giấu thông tin, xác minh thế nào? - Ảnh 2.

Các tổ công tác xử phạt nồng độ cồn của Cục CSGT ở các địa phương được người dân rất quan tâm

Nhật Thịnh

"Theo đó, cán bộ khi vi phạm phải vừa có trách nhiệm công dân trong việc xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, cán bộ cũng phải chịu trách nhiệm theo quy định của Đảng trong việc nêu gương chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước", Cục CSGT chia sẻ.

Xem nhanh 12h ngày 5.10: Không ký biên bản nồng độ cồn vì nghĩ ‘luật là phải có tình có lý’

Nói về lý do Cục CSGT phải cử 6 tổ công tác xử phạt vi phạm nồng độ cồn trên cả nước, đại diện Cục CSGT cho hay, công tác của Cục CSGT chủ yếu là đôn đốc, tạo tinh thần quyết liệt xử phạt vi phạm này. Các tổ công tác đặc biệt này sẽ tiếp tục được duy trì và tấn công mạnh hành vi vi phạm nồng độ cồn trong thời gian tới.

Cán bộ, công chức là đảng viên, mà trong nhiệm vụ của đảng viên thì lúc nào cũng là người làm gương về lối sống, việc chấp hành pháp luật cho người khác. Việc công bố thông tin, sẽ giúp cho họ thật sự nhìn nhận lại cách sống và vai trò làm gương của mình

Luật sư Lê Trung Phát

Thực tế cho thấy, các tổ công tác xử phạt nồng độ cồn của Cục CSGT ở các địa phương được người dân rất quan tâm. Ngoài số lượng người bị xử phạt tăng, CSGT cũng phát hiện các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn hay can thiệp vào việc xử lý của tổ công tác.

Nên công khai họ tên cán bộ vi phạm!

Theo Cục CSGT, khi người vi phạm giấu thông tin về nghề nghiệp, CSGT có nhiều cách để xác minh xem đó có phải là cán bộ, công chức hay không. Có thể CSGT xác minh qua số CCCD hay bằng các biện pháp nghiệp vụ của Bộ Công an để xử lý theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi xác định cơ quan, nơi công tác của cán bộ, công chức, CSGT sẽ phối hợp địa phương gửi phản hồi đến các đơn vị này để xử lý theo quy định, không bao che.

Cục CSGT phạt nồng độ cồn: Cán bộ vi phạm giấu thông tin, xác minh thế nào? - Ảnh 4.

Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa cho công khai tên người vi phạm giao thông

Nhật Thịnh

Tuy nhiên, theo nhận định, công tác này vừa triển khai nên hiện Cục CSGT chưa nhận được phản hồi của các cơ quan khi gửi thông báo có cán bộ vi phạm nồng độ cồn.

Về vấn đề này, tại Nghệ An, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về an toàn giao thông, nhất là thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe.

Không ký biên bản nồng độ cồn vì nghĩ ‘luật là phải tình có lý’

Đáng chú ý, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An sẽ xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nếu có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về an toàn giao thông gây ra tai nạn, nhất là lỗi vi phạm về nồng độ cồn.

Cục CSGT phạt nồng độ cồn: Cán bộ vi phạm giấu thông tin, xác minh thế nào? - Ảnh 5.

Cục CSGT chưa nhận được phản hồi của các cơ quan khi gửi thông báo có cán bộ vi phạm nồng độ cồn

Nhật Thịnh

Luật sư (LS) Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát cho biết, theo quy định tại Điều 72 luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020 cho phép công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân tổ chức vi phạm hành chính như sau: Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.

Theo quan điểm của LS Lê Trung Phát, do đó việc cán bộ, công chức, viên chức vi phạm luật giao thông về nồng độ cồn, thì do vướng luật nên cũng không thể công bố thông tin danh tính. Theo LS Phát, quy định này không còn phù hợp, mà cần phải cho phép công bố thông tin người vi phạm trong lĩnh vực giao thông hoặc cho phép được công bố khi đó là các lĩnh vực Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo nhằm giải quyết và kéo giảm tức thì các vi phạm, điển hình như vi phạm nồng độ cồn đang thực hiện.

Theo thống kê, trong đợt thực hiện công tác của Cục về xử lý vi phạm nồng độ cồn đã từng phát hiện xử lý, lập biên bản vi phạm nồng độ cồn với trường hợp là: Bí thư huyện; một chủ tịch huyện ở Thừa Thiên-Huế; hoặc phát hiện đội trưởng đội CSGT ở Tiền Giang vi phạm nồng độ cồn khiến dư luận đặc biệt rất quan tâm vì sao cán bộ, công chức lại có thể vi phạm, gây ảnh hưởng xấu dư luận xã hội. 

"Cán bộ, công chức là đảng viên, mà trong nhiệm vụ của đảng viên thì lúc nào cũng là người làm gương về lối sống, việc chấp hành pháp luật cho người khác. Việc công bố thông tin, sẽ giúp cho họ thật sự nhìn nhận lại cách sống và vai trò làm gương của mình", LS Phát nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.