PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan: 'Vô cùng đau đầu với quảng cáo thực phẩm chức năng'

Duy Tính
Duy Tính
25/04/2024 14:39 GMT+7

Dùng hình ảnh nghệ sĩ, bác sĩ, người có ảnh hưởng trong xã hội quảng cáo thực phẩm chức năng và thổi phồng công dụng sản phẩm này như thuốc chữa bệnh, đó là vấn đề nan giải hiện nay với cơ quan quản lý.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM nói như trên tại hội thảo đảm bảo an toàn thực phẩm trong quản lý thực phẩm chức năng trên địa bàn TP.HCM, tổ chức ngày 25.4.

Sản xuất bằng "công nghệ xô, chậu"

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, thực phẩm chức năng bao gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học.

Trong những năm gần đây việc sử dụng thực phẩm chức năng trở nên bùng nổ, doanh nghiệp tăng cường sản xuất, nhập khẩu, phân phối, người dân tăng cường sử dụng. Điều này cũng cho thấy đời sống người dân khấm khá hơn, ý thức bảo vệ sức khỏe tiệm cận thế giới. Cũng chính vì lĩnh vực thực phẩm chức năng trong nước đi sau thế giới nhưng đi quá nhanh nên việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo sản phẩm này gặp rất nhiều vấn đề.

Hình ảnh giám đốc Sở Y tế TP.HCM dùng để quãng cáo thực phẩm chức năng. Vụ việc đã được Sở Y tế TP.HCM chuyển cơ quan công an

Hình ảnh Giám đốc Sở Y tế TP.HCM dùng để quảng cáo thực phẩm chức năng. Vụ việc đã được Sở Y tế TP.HCM chuyển cơ quan công an

DUY TÍNH

PGS-TS Phong Lan phân tích, thứ nhất theo quy định thì thực phẩm chức năng phải được sản xuất (hoặc nhập khẩu) trong dây chuyền đạt GPM (thực hành sản xuất tốt). Nhưng nan giải là có sản phẩm mang tiếng là thực phẩm chức năng nhưng sản xuất bằng "công nghệ xô, chậu" là chủ yếu, tức mua vỏ viên nang về, trộn nguyên liệu rồi cho vào là xong. 

"Hiện giờ, có ai dám chắc hay khẳng định tất cả thực phẩm chức năng trên thị trường người dân mua đều sản xuất đúng quy trình GMP hay không? Hay có những sản phẩm chưa đạt len lỏi vào thị trường", bà Phong Lan nói.

Thứ hai, trong phân phối, kinh doanh thực phẩm chức năng bán trong nhà thuốc, có quy định là không được xếp riêng biệt không lẫn lộn với thuốc. Không có điều khoản, quy định nào cấm bán thực phẩm chức năng trong chợ, trên sàn thương mại điện tử. Như vậy làm sao có thể bảo quản tốt, người dân không nhầm lẫn với thuốc?

Thứ ba, theo PGS-TS Phong Lan, quảng cáo thực phẩm chức năng là vấn đề rất nặng nề. Vẫn biết quảng cáo để người tiêu dùng biết, nhưng thời gian qua sự quảng cáo thực phẩm chức năng vô cùng đau đầu, nhất là trên mạng xã hội quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng có công dụng còn hơn thuốc, chữa bách bệnh…

"Vấn đề thực phẩm chức năng còn nhức nhối rất nhiều và còn làm nhiều việc. Do đó, bên cạnh tập huấn cho nhân viên các nhà thuốc tư vấn cho người dân dùng đúng thì đòi hỏi ý thức người hành nghề và sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý", PGS-TS Phong Lan nói.

Đau đầu với quảng cáo trên mạng xã hội và kinh doanh qua mạng. Việc livestream trên mạng xã hội thì như "sơn đông mãi võ" và lôi kéo người tiêu dùng. Cùng với đó là còn có thực phẩm chức năng làm giả được buôn bán thông qua chợ thuốc tây, nhà thuốc, bán đa cấp. Quản lý rất khó.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan

Quá nhiều khó khăn

Bà Trần Thị Thu Liễu, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng chỉ ra những vi phạm chủ yếu trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng.

Bà nhấn mạnh thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, gây hiểu lầm với thuốc. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở, nhân viên y tế, bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo thực phẩm. Quảng cáo thực phẩm khi chưa thẩm định nội dung; quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt.

Bà dẫn chứng, năm 2022, Bộ Y tế xử phạt vi phạm hành chính 40 cơ sở, tổng số tiền 2,76 tỉ đồng. Năm 2023, xử phạt 28 cơ sở, tổng số tiền gần 1,9 tỉ đồng. Trong đó vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất.

Bà Liễu cũng đã nêu lên hàng loạt những khó khăn, tồn tại trong xử lý quảng cáo thực phẩm chức năng. Đó là vi phạm xảy ra tại các website, mạng xã hội đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát. Không xác định được chủ thể quảng cáo bán hàng vi phạm, không có cơ sở để xử lý vi phạm. Sự phát triển công nghệ số, AI đã rất dễ dàng tạo các clip, video sử dụng hình ảnh các cơ sở y tế, bác sĩ, hình ảnh đài truyền hình, công an, quốc phòng, các báo lớn hoặc sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo, bán thực phẩm thổi phồng công dụng, hoặc sai công dụng.

Nguyên nhân dẫn đến những quảng cáo sai phạm, đầu tiên theo bà Liễu là vì lợi nhuận mà một số tổ chức, cá nhân vi phạm. Tiếp theo là phương tiện bán hàng và quảng cáo hiện nay hết sức đa dạng và phong phú, đặc biệt là việc sử dụng điện thoại tư vấn, internet, mạng xã hội, các tổ chức, cá nhân đã không bị hạn chế về không gian, thời gian. Việc đăng ký mở website rất dễ dàng. Việc kiểm soát kinh doanh, quảng cáo xuyên biên giới còn khó khăn khi xử lý vi phạm. Một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý nội dung quảng cáo. Vấn đề đăng ký, thành lập doanh nghiệp quá đơn giản.

Ngoài ra, theo bà Liễu là còn hạn chế về nhân lực, kỹ thuật tại các cơ quan quản lý Nhà nước.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Sở TT-TT TP.HCM cho biết, Sở TT-TT TP.HCM đã xây dựng và lấy ý kiến các sở ngành về quy chế phối hợp xử lý tin giả, tin sai sự thật và trình UBND TP.HCM. Sở TT-TT TP.HCM cũng đã ký kết phối hợp cùng Sở Công thương, Sở Y tế, Đoàn luật sư, Hiệp hội doanh nghiệp hy vọng xử lý một cách rốt ráo vấn đề này.

Cũng theo ông Hòa Bộ TT-TT đang lấy ý kiến sửa đổi một số quy định. Trong đó có điều liên quan đến livestream để có cơ sở xử lý một số người nổi tiếng quảng bá các sản phẩm qua nền tảng xã hội. Nếu có chế tài rõ hơn thì tương lai quản lý sẽ xử lý tốt hơn…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.