Những ngôi chợ độc đáo: Chợ 'bồng heo'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
16/05/2024 07:16 GMT+7

Một ngôi chợ ở tỉnh Quảng Nam chỉ bán mặt hàng duy nhất là heo, đã tồn tại cả nửa thế kỷ. Nơi đây còn gắn với phận đời của những người phụ nữ làm nghề đặc biệt, đó là… "bồng heo".

"BIỆT ĐỘI" BỒNG HEO THUÊ

Chợ heo Bà Rén thuộc xã Quế Xuân 1 (H.Quế Sơn, Quảng Nam) là một trong những ngôi chợ "đặc biệt" khi chỉ bán một mặt hàng duy nhất là… heo. Ngôi chợ này được hình thành từ trước những năm 1970, là chợ heo lớn nhất miền Trung và là một trong những chợ heo lớn và lâu đời nhất nước.

Chợ heo Bà Rén

Chợ heo Bà Rén

Mạnh Cường

Vừa bước sang tuổi 62, nhưng bà Trần Thị Thảo (ở xã Quế Xuân 1) đã có hơn 34 năm gắn với chợ heo Bà Rén. Trừ ngày mùng 1 và 15 âm lịch (2 ngày này chợ nghỉ - PV), ngày nào trong tháng bà đều có mặt tại chợ này vào lúc 5 giờ 30 sáng. Bà đến đây để chỉ làm một công việc duy nhất, đó là bồng (bế) những chú heo từ lồng này sang lồng khác. Nếu chợ heo được gọi là chợ "hàng độc" thì tại đây nghề "bồng heo" thuê được xem là một "nghề độc lạ".

Chợ heo chỉ kéo dài tầm 4 tiếng đồng hồ vào lúc sáng sớm. Thời hoàng kim khi chưa có dịch bệnh, mỗi buổi có vài trăm người đến mua bán với số lượng từ 1.000 - 1.500 con heo, thì người "bồng heo" thuê lên đến cả chục người. Nay vì lượng heo giảm mạnh cùng với tuổi tác đã khiến nhiều người nghỉ, giờ chỉ còn 4 người bám trụ với nghề. Họ được mọi người ở chợ gọi với cái tên "biệt đội" bồng heo thuê và luôn đến sớm nhất, ra về khi chợ vãn hẳn.

Nghề "bồng heo" xuất hiện do chủ heo cần phải chuyển heo từ rọ này sang rọ khác hoặc bồng lên để cân xem nặng bao nhiêu, dần dần đã hình thành nên công việc độc nhất vô nhị này. "Làm nghề này trước hết phải có sức khỏe, chịu khó, chịu hôi, chịu bẩn. Cả buổi ôm heo vào người nên phân heo, nước tiểu cũng bôi bết lên áo quần, thậm chí vấy lên mặt là chuyện bình thường. Không ít người mới vào nghề vì chưa có kinh nghiệm nên phải "đóng học phí" bằng những lần sẩy tay khiến heo tháo chạy, cuối cùng phải bỏ tiền túi ra đền", bà Thảo chia sẻ.

Ngồi một góc chợ, nhưng thấy bạn hàng dừng xe trước chợ, bà Thảo liền chạy đến, gỡ dây rọ lồng, thò tay tóm gọn một chú heo, ôm chặt vào người và bế sang thả vào chiếc lồng đã đặt sẵn. Mất 10 phút, đàn heo 10 con (mỗi con nặng 5 kg) đã được bà Thảo chuyển lồng gọn gàng. "Làm cái nghề này vất vả vô chừng nhưng đổi lại chỉ là những đồng bạc lẻ. Mỗi lần bồng heo chỉ nhận được từ 500 - 1.000 đồng. Nhưng nếu "năng nhặt chặt bị" mỗi thứ một tí cũng đủ sống qua ngày. Bản thân tôi cũng thầm cảm ơn cái nghề bồng heo, nhờ nó mà tôi có thể nuôi hai con ăn học thành người", bà Thảo tâm sự.

XUẤT BÁN SANG LÀO, CAMPUCHIA

Công việc của nhiều người phụ nữ khác ở ngôi chợ đặc biệt này không chỉ là bồng heo chuyển lồng. Nếu thương vụ chưa được "chốt", họ phải bồng heo đưa lên cao để người mua ngắm nghía, kiểm tra chất lượng. Bởi, tùy theo cân nặng và "vẻ đẹp" của từng con mà giá có thể cao hơn. Cách để tính trọng lượng của heo ở đây rất đặc biệt. Heo sẽ được bế đứng lên cân, sau đó trừ đi số cân người bế để biết số cân của heo.

Mỗi lần bồng heo, người dân nhận được phí từ 500 - 1.000 đồng

Mỗi lần bồng heo, người dân nhận được phí từ 500 - 1.000 đồng

Mạnh Cường

Để có thêm thu nhập, những người bồng heo còn kiêm thêm nghề cho thuê ghế ngồi và giỏ thả heo với số tiền cao nhất cũng chỉ là những đồng bạc lẻ. Hàng chục năm nay, dù mọi thứ xung quanh thay đổi nhiều nhưng dường như giá bồng heo vẫn giữ nguyên. Chính vì vậy, dù vất vả cả buổi sáng nhưng ngày nào may mắn thì bà Trần Thị Thảo cũng như các đồng nghiệp của mình cũng chỉ kiếm được từ 70.000 - 100.000 đồng.

Với thâm niên 25 năm bế heo tại ngôi chợ đặc biệt này, bà Nguyễn Thị Lâm (54 tuổi, ở xã Tam Xuân 1) cho rằng nghề này tuy vất vả, thu nhập không cao nhưng nhờ vào nó cũng có đồng ra đồng vào chi tiêu hằng ngày. Xong phiên chợ, bà lại về nhà làm công việc đồng áng. "Bồng heo riết cũng quen, một ngày không ra chợ lại thấy nhớ. Ở đây có những người đã gắn bó gần như trọn cuộc đời mình cho cuộc mưu sinh", bà Lâm tâm sự.

Gắn bó với chợ heo Bà Rén những ngày đầu mới thành lập, thương lái Nguyễn Thị Hòa (55 tuổi, ở TT.Đông Phú, H.Quế Sơn) cho biết nguồn hàng được các hộ chuyên nuôi heo giống ở các huyện trong tỉnh Quảng Nam như Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn… chuyển đến. Sau khi mua bán, thương lái chở heo giống về các huyện lân cận trong tỉnh hoặc qua Quảng Ngãi, Đà Nẵng... phân phối cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

"Để cân nguyên con heo thì phải buộc chân hoặc bỏ trong lồng, cách làm này mất nhiều thời gian nên chúng tôi thường thuê người bồng heo để cân giúp thao tác nhanh hơn, có thời gian chở đi tiêu thụ sớm", bà Hòa nói.

Ông Phạm Cư, Trưởng ban Quản lý chợ Bà Rén, cho biết khi dịch bệnh chưa xảy ra, mỗi buổi sáng heo được trao đổi mua bán lên đến hơn 1.000 con. Nơi đây là chợ đầu mối truyền thống lớn nhất cả nước. Heo ở đây ngoài xuất đi các tỉnh miền Nam thì còn được xuất bán sang các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan…

"Thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh, chợ heo phải tạm dừng buôn bán thời gian dài, nhưng chưa bao giờ chúng tôi cũng như thương lái nghĩ tới cảnh ngôi chợ này sẽ bị dẹp bỏ cả. Phải nói là khi nào bà con mình hết nuôi heo thì chợ này mới không còn. Ngôi chợ này có nhiều điều rất đặc biệt, trong đó có việc bảo hành bằng thỏa thuận miệng, dù không có một giấy tờ gì nhưng người nào mua về trong 3 - 4 ngày mà heo không khỏe, có dấu hiệu bệnh thì mang ra trả lại. Người bán sẵn sàng đổi con khác", ông Cư chia sẻ. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.