Hàng không khó khăn, đơn vị dịch vụ mặt đất vẫn lời trăm tỉ

25/04/2024 16:08 GMT+7

Bất chấp bối cảnh thị trường hàng không trong nước còn nhiều khó khăn, Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS, mã cổ phiếu: SGN) vẫn ghi nhận mức lợi nhuận năm 2023 tăng hơn 65% so với 2022.

SAGS đã kết thúc hợp đồng với Bamboo Airways từ tháng 1 và Vietjet cũng đang có kế hoạch

SAGS đã kết thúc hợp đồng với Bamboo Airways từ tháng 1 và Vietjet cũng đang có kế hoạch "ra riêng"

H.M

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 tổ chức sáng nay (25.4), ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) thông tin: Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nhiều từ các cuộc xung đột giữa các quốc gia dẫn đến đồng USD và chi phí nhiên liệu tăng cao. Thị trường vận tải hàng không tại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm nguồn khách hàng là các hãng hàng không quốc tế.

Đồng thời, những khó khăn nội tại của các hãng hàng không nội địa dẫn đến việc điều chỉnh tần suất khai thác cũng là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2023.

Mặc dù vậy, nhờ sự lãnh đạo sâu sát của Ban lãnh đạo cùng nỗ lực của toàn bộ cán bộ, nhân viên công ty, kết thúc năm 2023, doanh thu hợp nhất của SAGS đạt 1.498 tỉ đồng (tăng 17% so với kế hoạch đề ra và tăng 47% so với năm 2022). Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 227 tỉ đồng (tăng 11% so với kế hoạch và tăng 65% so với năm 2022).

Đặc biệt, với hoạt động sản xuất kinh doanh khá tích cực trong năm qua, SAGS-CXR (SAGS tại sân bay Cam Ranh) đã xóa gần hết lỗ lũy kế từ năm 2020 - 2022 và thu về lợi nhuận là 27,7 tỉ đồng.

"Để đạt được kết quả tốt như trên, HĐQT cùng với Ban Điều hành công ty đã bám sát và đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dịch vụ và thành công đàm phán ký kết hợp đồng với các hãng hàng không quốc tế mới và khai thác lại như: Greater Bay Airlines (Hồng Kông), Jeju Air (Hàn Quốc), Sichuan Airlines và Shenzhen Airlines (Trung Quốc). Bên cạnh đó, ban lãnh đạo đã thực hiện công tác kiện toàn hệ thống quản trị doanh nghiệp hướng đến mục tiêu kiểm soát chi phí và nguồn lực nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ" - ông Tú nêu.

Ông Đặng Tuấn Tú báo cáo tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của SAGS tại Đại hội đồng cổ đông thường niên

Ông Đặng Tuấn Tú báo cáo tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của SAGS tại Đại hội đồng cổ đông thường niên

Đ.K

Mặc dù xác định 2024 tiếp tục là năm nhiều khó khăn và thách thức đối với thị trường vận tải hàng không Việt Nam, song, SAGS vẫn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất trong năm nay là 1.499 tỉ đồng, tương đương kết quả đạt được năm 2023 nhưng lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 5,5% - đạt 240 tỉ đồng. Doanh nghiệp này có kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt.

Để đạt được mục tiêu trên, Ban lãnh đạo SAGS định hướng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, nỗ lực tìm kiếm các khách hàng tiềm năng tại 2 thị trường trọng điểm là Trung Quốc và Ấn Độ; áp dụng các biện pháp kiểm soát chi phí hiệu quả và đẩy mạnh công tác thu hồi nợ. Đặc biệt, ưu tiên công tác chuẩn bị hồ sơ đấu thầu để mở rộng hoạt động tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

"Sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, dự kiến 80% số chuyến bay quốc tế từ Tân Sơn Nhất sẽ chuyển sang Long Thành. Đồng nghĩa nếu không trúng thầu, chúng ta không những không được có mặt ở siêu cảng này mà còn mất rất nhiều thị phần tại Tân Sơn Nhất. Có thể nói, việc trúng thầu phục vụ dịch vụ mặt đất tại sân bay Long Thành sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của công ty trong những năm tới. Ban lãnh đạo công ty sẽ tập trung mọi nguồn lực để thắng gói thầu này tại sân bay Long Thành, đồng thời xúc tiến nhiều bước để phát triển dịch vụ ở Long Thành, chứ không chỉ phục vụ mặt đất cho các hãng hàng không, chẳng hạn như hoạt động trong nhà ga, hoạt động hàng hóa" - Chủ tịch HĐQT SAGS Đặng Tuấn Tú nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.