Công đoàn hoạt động thế nào nếu cho người nước ngoài tham gia?

Thúy Liễu
Thúy Liễu
11/05/2024 14:38 GMT+7

Câu hỏi được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị tiếp xúc cử tri lấy ý kiến đối với dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và luật Công đoàn (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM phối hợp LĐLĐ TP.HCM tổ chức ngày 11.5.

Hội nghị ghi nhận 14 ý kiến của các đại biểu là cán bộ công đoàn các công ty trên địa bàn TP.HCM, liên quan đến quyền lợi người lao động, những vướng mắc trong hoạt động công đoàn, công tác tuyên truyền luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…

Văn bản, thông báo phải dịch song ngữ nếu người nước ngoài tham gia

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty Intel Introducts VN góp ý về đề xuất cho phép người lao động nước ngoài tham gia vào tổ chức công đoàn. Bà Yến đề xuất chọn phương án 1 trong dự thảo luật Công đoàn (sửa đổi). Lý do được bà Yến đưa ra là người lao động nước ngoài cũng là đối tượng được quản lý trong Bộ luật Lao động. Theo bà Yến, người lao động nước ngoài có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đặc biệt, luật Bảo hiểm xã hội là luật an sinh xã hội và ngay cả người nước ngoài họ cũng được quyền tham gia.

"Chúng ta hiện không cho người lao động nước ngoài có quyền được tham gia tổ chức công đoàn. Khi cho người nước ngoài tham gia tổ chức công đoàn thì cũng nên hạn chế một số quyền mà có thể gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, của Nhà nước. Tôi ví dụ như không cho phép người lao động nước ngoài tham gia vào ban chấp hành. Chúng ta không hạn chế quyền gia nhập công đoàn của họ nhưng Công đoàn là tổ chức chính trị xã hội nên cần có thêm các điều khoản riêng", bà Yến đề xuất.

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn công ty Intel Introducts VN góp ý đề xuất cho phép người lao động nước ngoài tham gia vào công đoàn

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty Intel Introducts VN góp ý đề xuất cho phép người lao động nước ngoài tham gia vào công đoàn

THÚY LIỄU

Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Bích Đào, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty Bosch Global Software Technologies, thắc mắc quanh việc nếu cho phép người lao động nước ngoài tham gia vào công đoàn thì việc tổ chức hoạt động sẽ diễn ra như thế nào.

"Nếu cho người nước ngoài tham gia công đoàn thì các văn bản, thông báo ở Liên đoàn lao động cấp trên đưa xuống phải là văn bản song ngữ và phải giải thích thêm bằng ngôn ngữ khác. Nếu công ty nước ngoài thì sẽ có bộ phận dịch các văn bản đó, nhưng việc giải thích cho họ hiểu nội dung thì có lẽ sẽ khá nhập nhằng. Công ty Bosch hiện có khoảng 60 người lao động nước ngoài. Họ thắc mắc tại sao không được tham gia khi công ty tổ chức tặng quà cho công đoàn viên hằng năm, tức là họ quan tâm đến phần quyền lợi, nếu cho họ gia nhập tổ chức công đoàn thì phải quy định cụ thể phần trách nhiệm và quyền lợi kèm theo", bà Đào góp ý.

Đề xuất thay đổi chế độ hỗ trợ khám thai, chăm con bệnh cho người lao động

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Bích Đào còn góp ý việc tăng thêm số lần khám thai cho lao động nữ trong quá trình mang thai, theo quy định hiện tại của bảo hiểm xã hội là chỉ được hỗ trợ khám thai 5 lần. Theo bà Đào, quy định này quá ít so với thực tế quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày của phụ nữ, nhờ đoàn đại biểu Quốc hội góp ý bổ sung trong dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tương tự, bà Nguyễn Ngọc Thùy Hương, Trưởng phòng Hành chính nhân sự thuộc Công ty cổ phần nước Hoàng Minh, chia sẻ: "Trong quy định hiện tại của bảo hiểm xã hội thì ba mẹ chỉ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc chăm con bị bệnh dưới 7 tuổi, còn theo quy định pháp luật về trẻ em thì từ 16 tuổi trở xuống vẫn tính là trẻ em. Vậy thì khi các em trên 7 tuổi bị bệnh và ba mẹ phải nghỉ để chăm sóc thì quyền lợi của người lao động ở đâu? Không lẽ vì không được hưởng chế độ nên người lao động bỏ con ở bệnh viện không chăm sóc".

Vì vậy, bà Hương đề nghị cần xem xét lại độ tuổi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi nghỉ việc chăm con bệnh, từ dưới 7 tuổi thành dưới 16 tuổi.

Ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại hội nghị

Ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại hội nghị

THÚY LIỄU

Cũng liên quan đến quyền lợi cho người lao động, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết nhận được kiến nghị của một doanh nghiệp dệt may ở Hà Nội về quyền lợi cho các lao động nữ bị hiếm muộn, xin nghỉ làm để tiến hành các kỹ thuật can thiệp y tế để sinh con.

"Theo điều 52 dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì lao động nữ sinh con phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Nhưng với trường hợp tôi nêu trên thì nếu sau này họ sinh con, sẽ không được hưởng chế độ thai sản vì họ nghỉ không hưởng lương nên không đóng bảo hiểm xã hội", ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, nếu ở TP.HCM có doanh nghiệp nào gặp trường hợp này thì hãy thông tin cụ thể để đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp và có kiến nghị cụ thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.