Đấu thầu khả quan, thị trường vàng sẽ sớm 'hạ nhiệt'?

15/05/2024 18:54 GMT+7

Trúng thầu 8.100 lượng vàng trong phiên đấu thầu ngày 14.5 là kết quả tương đối khả quan. Tiếp tục thêm nhiều phiên đấu thầu, kết hợp các giải pháp quyết liệt khác, thị trường vàng được dự báo sẽ từng bước 'hạ nhiệt'.

Phần nào thỏa mãn cơn "khát" vàng

Sau 3 phiên hủy thầu và 2 phiên đấu thầu "ế" vàng, kết quả 8 đơn vị trúng 8.100 lượng vàng trong phiên đấu thầu vàng ngày 14.5 được đánh giá là tương đối khả quan.

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, nguyên nhân chính đem lại kết quả này là nhờ Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu với những thay đổi đáng kể so với các lần đấu thầu trước đó.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng với khối lượng và tần suất phù hợp với nhu cầu thị trường

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng với khối lượng và tần suất phù hợp với nhu cầu thị trường

ĐT

Ngân hàng Nhà nước đã giảm lượng mua tối thiểu xuống 500 lượng (thay vì mức 700 lượng và 1.400 lượng như các phiên đấu thầu trước đó - PV), lượng mua tối đa tăng lên 4.000 lượng (thay vì 2.000 lượng như trước đó - PV).

"8.100 lượng vàng trúng đấu thầu sẽ phần nào thỏa mãn cơn khát của nhà đầu tư về vàng SJC", ông Phương nói.

Đấu thầu vàng lần 7, giá tham chiếu 87,5 triệu đồng:lượng

Cũng nhìn nhận kết quả đấu thầu vàng ngày 14.5 khá thành công so với các phiên trước, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh bày tỏ hy vọng: "8.100 lượng vàng trúng thầu được đưa ra thị trường sẽ góp phần bình ổn giá, thị trường sẽ không còn sốt".

Chia sẻ thêm về việc trước đó, sau mỗi phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng đều biến động mạnh, thậm chí giá tăng đột biến, ông Khánh cho rằng, ngoài các phiên bị hủy thấu, các phiên trước đó nếu có trúng thầu, lượng vàng cũng khá ít (3.400 lượng - PV).

"Yếu tố tâm lý làm nhu cầu tăng cao. Người dân thấy nhiều phiên đấu thầu vàng bị hủy, bị ế vàng, tạo tâm lý không tăng nguồn cung vàng, lại càng lo khan hiếm, muốn mua vàng", ông Khánh nói.

Chắc chắn thu hẹp khoảng cách giá

Liên quan tới tăng cường quản lý thị trường vàng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo sát sao. Điển hình, Chính phủ có Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 5.2, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20.3 về việc tăng cường biện pháp quản lý thị trường vàng.

Ngay ngày 14.5, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã họp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan về công tác quản lý thị trường vàng.

Đề cập tới nội dung thanh tra, kiểm tra thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương cử các cán bộ có năng lực, am hiểu thực tế tham gia đoàn thanh tra liên ngành. Ngân hàng Nhà nước chậm nhất cuối tuần này phải công bố quyết định thanh tra.

Theo nhiều chuyên gia, biện pháp căn cơ để bình ổn thị trường vàng vẫn là phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Theo nhiều chuyên gia, biện pháp căn cơ để bình ổn thị trường vàng vẫn là phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

ĐT

Ở góc độ tăng cung vàng, hôm nay 15.5, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần 7 vào sáng mai 16.5. Các thông tin về đấu thầu vàng như khối lượng, yêu cầu mua tối thiểu và tối đa đều giữ nguyên như phiên đấu thầu ngày 14.5.

Ông Phương nhìn nhận, những chỉ đạo quyết liệt cũng như các giải pháp cung nguồn vàng SJC ra thị trường của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ làm cho giá vàng ổn định, tiến tới thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam so với giá vàng thế giới.

"Tâm lý người dân sẽ ổn định và không đổ xô đi mua vàng bằng mọi giá. Với cường độ đấu thầu 2 - 3 phiên mỗi tuần, chỉ 1 - 2 tuần nữa bảo đảm giá vàng SJC sẽ giảm.

Nếu giá vàng thế giới ổn định ở ngưỡng 2.300 - 2.350 USD/ounce, vàng SJC trong nước sẽ giảm về quanh mức 85 triệu đồng/lượng, khó tăng trở lại mốc trên 92 triệu đồng/lượng như mấy ngày qua", ông Phương nhận định.

Theo ông Khánh, trong phiên đấu thầu vàng miếng tiếp theo, nếu số lượng trúng thầu từ 8.000 lượng trở lên sẽ giúp thị trường "hạ nhiệt".

Về việc dự báo giá vàng có thể giảm tới mức nào, vị này dè dặt bày tỏ: "Chờ xem các doanh nghiệp trúng thầu đưa vàng ra thị trường ra sao và kết quả phiên đấu thầu tiếp theo thế nào mới có thể dự đoán giá vàng sẽ giảm đến đâu".

Ở khía cạnh thời điểm giá vàng SJC "hạ nhiệt", Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, có thể sẽ là cuối tuần này, với điều kiện "phiên đấu thầu tiếp theo cũng cung ra thị trường 8.000 lượng như phiên đấu thầu ngày 14.5".

Thông tin tới báo chí chiều nay 15.5, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chủ trương đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, từ ngày 19.4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 6 phiên đấu thầu vàng.

Trong đó, 3 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 14.900 lượng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng với khối lượng và tần suất phù hợp với nhu cầu thị trường.

Nhìn nhận đây là giải pháp cần thiết trước mắt nhằm góp phần bình ổn thị trường nhưng nhiều chuyên gia khi trao đổi với Thanh Niên đều khẳng định, dài lâu vẫn phải sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC.

"Căn cơ vẫn là phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24, tập trung vào các nội dung xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu…", chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói.

Đồng quan điểm, theo ông Phương: "Sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nếu phát hiện các sai phạm, đặc biệt là vấn đề đầu cơ, đẩy giá thì cần giải quyết triệt để. Cùng đó, cần thúc nhanh tiến độ sửa Nghị định 24 theo hướng bỏ độc quyền vàng miếng SJC và rộng cửa hơn trong việc cho nhập khẩu vàng nguyên liệu".

Trước phiên đấu thầu ngày mai 16.5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 6 phiên đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường vào các ngày 22.4, 23.4, 25.4, 3.5, 8.5 và 14.5. Mỗi lần đều đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC.

Trong phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 14.5, có 8 thành viên trúng thầu với tổng 81 lô (8.100 lượng vàng). 5 phiên đấu thầu trước đó, có 3 phiên đấu thầu bị hủy là ngày 22.4, 25.4 và 3.5.

Trong khi đó, phiên đấu thầu ngày 23.4 và 8.5 đều khá "ế ẩm" khi mỗi phiên số vàng trúng thầu đều chỉ ở mức 3.400 lượng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.