Bị suy gan 'sét đánh', nữ giáo viên được ghép gan thành công

Liên Châu
Liên Châu
07/05/2024 14:58 GMT+7

Không thể nhận gan hiến từ chồng do khác nhóm máu, nữ bệnh nhân 46 tuổi bị suy gan 'sét đánh' đã được ghép gan thành công từ gan hiến là nam bệnh nhân chết não.

Sáng nay, 7.5, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) công bố thành công ca "ghép gan cấp cứu" cho nữ bệnh nhân 46 tuổi, là giáo viên tại Hà Nội, bị suy gan tối cấp.

Tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, cho biết nữ bệnh nhân bị suy gan tối cấp, còn gọi là suy gan "sét đánh" do gan suy quá nhanh.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng chia sẻ vè  ca ghép gan thành công cho nữ bệnh nhân suy gan

Tiến sĩ Dương Đức Hùng chia sẻ về ca ghép gan thành công cho nữ bệnh nhân suy gan "sét đánh"

BÍCH NGỌC

Đây là bệnh nhân từng 3 lần đặt phôi IVF điều trị hiếm muộn. Lần gần đây nhất, 14.4, bệnh nhân đặt phôi IVF lần thứ 4, đã dùng rất nhiều thuốc hỗ trợ. Sau đó, bệnh nhân phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) do suy gan.

Chỉ 6 tiếng sau khi nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng hôn mê gan với biểu hiện vàng da, loạn thần, lơ mơ tri giác, sốt.

Theo ông Hùng, suy gan "sét đánh" là tình trạng hôn mê gan ngay lập tức. Đây là lần đầu tiên trong nước ghép gan cho bệnh nhân hôn mê gan tối cấp, khác với các ca ghép trước đây thực hiện cho các bệnh nhân viêm gan mạn tính, ung thư gan.

 "Mặc dù chồng của bệnh nhân sẵn sàng hiến gan để ghép cho vợ, nhưng các bác sĩ không thể lấy gan từ người chồng do không đủ điều kiện hòa hợp", ông Hùng chia sẻ thêm.

Ca ghép đặc biệt khó khăn

Kíp ghép tạng của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức đánh giá, ca ghép gan này rất khó khăn vì bệnh nhân hôn mê gan do suy gan; suy đa tạng. Gan của nữ bệnh nhân này đã tổn thương đến 80 - 85%, không hồi phục. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao, nếu không được ghép gan thay thế.

"Ghép gan cho người bệnh suy gan tối cấp, đòi hỏi ghép nhanh chóng, cắt nguồn gây suy đa tạng. Gần như ghép gan cấp cứu", ông Hùng đánh giá.

Với nữ bệnh nhân, do hôn mê gan, nhiều chức năng gan không còn đã gây rối loạn đông máu, là nguy cơ chảy máu lớn trong mổ.

Cũng do chức năng thải độc gan bị hỏng, cơ thể tích tụ độc tố khiến não bị ảnh hưởng (hôn mê sâu); thận hỏng, suy cấp. Đồng thời bệnh nhân bị suy hô hấp, hai lá phổi trắng.

Các bác sĩ đánh giá, với suy đa tạng rất nặng, bệnh nhân nhân có nguy cơ tử vong trong vòng 48 giờ nếu không được ghép gan thay thế.

"Không thể lấy được gan hiến từ người chồng, nhưng cùng thời điểm này, ngày 21.4, một nam bệnh nhân 48 tuổi chết não đã được gia đình đồng ý hiến tạng. Các xét nghiệm cho thấy, gan hiến từ người chết não phù hợp với nữ bệnh nhân. Do đó, chúng tôi quyết định ghép gan cho nữ bệnh nhân, dù biết đây là ca ghép vô cùng khó khăn", ông Hùng chia sẻ.

Sau 8 tiếng thực hiện ca ghép gan, bệnh nhân đã có giọt mật đầu tiên cho thấy gan ghép phù hợp, đảm bảo được các chức năng. Sau đó, các chỉ số, chức năng khác về gan, thận tốt dần lên.

Sau ghép gan, hiện nữ bệnh nhân tự ăn uống được. Bệnh nhân sẽ được ra viện, trở về gia đình trong thời gian tới, sau khi được các bác sĩ điều chỉnh liều thuốc thải ghép về nồng độ phù hợp.

Kết quả ghép tạng tại Việt Nam không khác biệt, chỉ khác về số lượng được ghép thấp hơn các nước do chúng ta ít tạng hiến, ít người hiến chết não. Chúng tôi mong có thêm nhiều tạng được hiến từ người hiến chết não để các bác sĩ có cơ hội cứu các bệnh nhân nặng.

Trong nước, hàng ngàn người đang chờ hiến tạng (thận, gan, tim). Riêng tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức luôn có khoảng 30 người trong danh sách chờ ghép gan.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.