Có những người dễ dàng tâm sự với người lạ mà không chia sẻ với người thân?

Thảo Phương
Thảo Phương
14/05/2024 15:20 GMT+7

Nhu cầu tâm sự với người lạ tưởng chừng như vô lý và mâu thuẫn nhưng nó đang được nhiều bạn trẻ áp dụng. Tại sao lại chọn tâm sự với người lạ mà không chia sẻ với người thân?

Tâm sự với người lạ vì…

Một số bạn trẻ cho rằng không phải bất cứ chuyện gì cũng có thể tâm sự được với người thân, bạn bè. Có những chuyện riêng tư, thầm kín mà không đủ dũng cảm để nói ra, chẳng muốn người thân biết. Vì vậy, họ tìm đến những người xa lạ để tâm sự. Họ có thể kể mọi thứ với người lạ một phần vì muốn được lắng nghe và nhu cầu giải tỏa những vướng mắc trong lòng. Dĩ nhiên, các bí mật đó không gây tổn hại gì tới người nghe và cũng không sợ câu chuyện ấy có thể bị người quen biết được.

Đều là những người hoàn toàn xa lạ, họ được kết nối với nhau thông qua mạng xã hội hay các ứng dụng như Fabook, Tinder. Những người lạ tâm sự với nhau bằng cách sử dụng tài khoản ảo, không có bất kỳ thông tin cá nhân nào để nhắn tin hoặc thông qua các bài viết được đăng dưới chế độ ẩn danh. Có thể họ đã nhắn tin với nhau từ trước hoặc một cuộc trò chuyện được kết nối ngẫu nhiên nhưng lại tìm được sự đồng cảm từ đối phương nên dễ dàng tâm sự.

Một số người trẻ có thể dễ dàng chia sẻ câu chuyện của mình với người lạ thông qua mạng xã hội

Một số người trẻ có thể dễ dàng chia sẻ câu chuyện của mình với người lạ thông qua mạng xã hội

THẢO PHƯƠNG

“Mình đi làm xa nhà nên nhiều khi có những vấn đề gặp phải trong cuộc sống nhưng không dám chia sẻ với gia đình vì sợ mọi người sẽ lo lắng rồi phiền lòng. Tuy nhiên, nếu cứ giữ trong lòng thì rất khó chịu nên mình chọn tâm sự với người lạ ở trên mạng xã hội. Họ không biết mình là ai nên cảm giác rất an toàn để chia sẻ mọi vấn đề”, N.T.K.N (25 tuổi), ở trọ tại đường Kha Vạn Cân, TP.Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ.

Khi được hỏi sau mỗi lần tâm sự với người lạ như vậy có giải quyết được vấn đề của bản thân không? N. nói: “Điều mình cần đôi khi chỉ là có một người lắng nghe. Hơn nữa, khi nói ra được như vậy mình cũng sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn. Cho nên, dù có nhận được những lời khuyên để giải quyết được vấn đề mà bản thân đang gặp phải hay không thì mình cũng sẽ thấy tốt hơn là giữ trong lòng”.

Những hội nhóm tâm sự cùng người lạ thu hút khá đông người tham gia

Những hội nhóm tâm sự cùng người lạ thu hút khá đông người tham gia

CHỤP MÀN HÌNH

Cũng thường chia sẻ câu chuyện của mình với người lạ trên mạng xã hội thông qua tài khoản ảo, Nguyễn Vân Khánh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Người ta không biết gì về mình nên sẽ dễ dàng chia sẻ mà chẳng lo bị bài xích hay phán xét. Việc chia sẻ với người lạ như thế mình sẽ nhận về những lời góp ý từ nhiều góc nhìn khác nhau cho vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Tuy nhiên, mình lắng nghe và suy nghĩ có chọn lọc. Vì cũng chỉ là người xa lạ nên họ không thể hiểu được hoàn cảnh của mình”.

Không ít người cho rằng khi nói chuyện với người lạ sẽ có cảm giác an toàn, trút bỏ được bầu tâm sự nhưng chẳng sợ bị phán xét vì không biết danh tính của nhau. Cũng vì lý do đó mà Nguyễn Thị Hiền Ngân (23 tuổi), ngụ tại đường Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú (TP.HCM) từng sử dụng tài khoản ẩn danh để tâm sự với người lạ. 

Ngân chia sẻ: “Những chuyện có thể nói ra được thì mình hay gặp người thân đáng tin cậy để chia sẻ và tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, có những điều mình muốn giữ bí mật, không muốn người quen biết. Vì vậy, mình không thể chia sẻ. Việc tìm đến một người xa lạ để tâm sự thì chẳng lo bị đánh giá vì đằng sau cái màn hình họ không biết mình là ai”.

Ngân nói thêm việc tâm sự với người lạ có cái hay nhưng không phải chuyện gì cũng mang ra kể. “Dù sao những người thân quen bên cạnh cũng sẽ hiểu và muốn tốt cho mình hơn. Vì vậy, nếu có thể thì mình hay tìm đến họ trước tiên. Trừ những chuyện quá khó nói, không thể mở lời mình mới tìm đến người lạ mong sẽ có cách giải quyết”, Ngân nói.

Có nên tâm sự nhiều với người lạ?

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Bùi Vĩnh Nghi, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ: “Bản chất của việc trò chuyện hay chia sẻ sẽ dựa trên những nhu cầu cơ bản cụ thể như: Muốn được lắng nghe, đồng cảm, tìm hướng giải quyết vấn đề hoặc thể hiện quan điểm bản thân. Tùy thuộc vào nội dung và mục đích trò chuyện mà mỗi người sẽ lựa chọn đối tượng giao tiếp phù hợp. Việc một số bạn trẻ dễ dàng chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình với người lạ có thể vì họ tìm thấy sự đồng cảm về mặt cảm xúc và không bị những rào cản tâm lý như sự kỳ vọng, đánh giá hay phán xét”.

Thạc sĩ Vĩnh Nghi nói thêm: “Để đánh giá cách lựa chọn này có phù hợp hay không thì còn phụ thuộc vào nhu cầu của người chia sẻ có được đáp ứng hay không. Đây cũng là một dấu hiệu để chúng ta nhìn nhận lại cách giao tiếp và chất lượng trong cuộc trò chuyện với những người xung quanh”.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thì cho rằng việc tâm sự với người lạ không có gì sai vì ai cũng có nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ. Tuy nhiên, việc tâm sự với người lạ cũng tiềm ẩn những rủi ro.

Thạc sĩ Ngọc Vui, chia sẻ: “Tâm sự với người lạ sẽ có nhiều rủi ro khi thông tin không được bảo mật. Nếu vấn đề bạn chia sẻ liên quan đến yếu tố về tình dục, pháp luật… thì có thể họ sẽ nắm những yếu điểm đó để tống tiền. Hơn nữa, nếu bạn phát triển mối quan hệ xa lạ mà đối phương không phải người tốt thì có thể bị lợi dụng tiền bạc, sức khỏe, thân thể. Vì vậy, cần phải biết cân nhắc khi chia sẻ, tâm sự với người lạ. Nếu sử dụng mạng ảo thì hãy để mọi thứ dừng lại ở đó chứ đừng kéo qua đời thực”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.