Trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 5 triệu, được coi là tình tiết giảm nhẹ?

06/05/2024 20:36 GMT+7

TAND tối cao đề xuất hướng dẫn hành vi 'trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 5 triệu đồng' được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

TAND tối cao đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn về việc áp dụng một số quy định tại điều 51 (tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) và điều 52 (tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự) của bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo quy định tại bộ luật Hình sự năm 2015, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ để tòa án quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Khoản 1 điều 51 bộ luật này liệt kê 22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có "phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn".

TAND tối cao đề xuất hướng dẫn hành vi

TAND tối cao đề xuất hướng dẫn hành vi "trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 5 triệu đồng" được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (ảnh minh họa)

PHÚC BÌNH

Trộm cắp 5 triệu đồng là gây thiệt hại không lớn?

Tại dự thảo đang lấy ý kiến, TAND tối cao hướng dẫn cụ thể việc áp dụng 22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu trên.

Riêng với tình tiết "phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn", dự thảo giải thích đây là trường hợp đã thực hiện toàn bộ hành vi khách quan nhưng chưa xảy ra bất cứ hậu quả nào của tội phạm hoặc có thiệt hại xảy ra nhưng giá trị thiệt hại không như mức bình thường của khung hình phạt đó.

Đồng thời, việc chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn phải nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội, không có bất cứ tác động nào của người phạm tội đối với hậu quả của tội phạm.

Để minh họa cho lập luận trên, TAND tối cao dẫn 2 ví dụ.

Ví dụ 1 là hành vi rút súng bắn nhưng không trúng người; hoặc hành vi trộm cắp tài sản ra khỏi nhà nhưng bị bắt quả tang...

Ví dụ 2 là hành vi bỏ thuốc độc vào cơm cho người khác ăn để giết người nhưng người đó không chết, chỉ tổn hại 11% sức khỏe; hoặc hành vi trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 5 triệu đồng...

Trong số này, ví dụ về "hành vi trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 5 triệu đồng" đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 5 triệu, được coi là tình tiết giảm nhẹ?- Ảnh 2.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến

NVCC

Liệu có gây ra sự cứng nhắc, máy móc?

Theo luật sư Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội), điều 173 bộ luật Hình sự đã quy định rõ về tội trộm cắp tài sản, đồng thời dựa theo giá trị tài sản trộm cắp để phân chia thành các khung hình phạt khác nhau.

Cụ thể, nếu trộm cắp tài sản trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; nếu tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; nếu tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; nếu tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Như vậy, giá trị tài sản trộm cắp đã được sử dụng để làm tình tiết định tội và định khung hình phạt. Khi xét xử, tòa án sẽ căn cứ vào giá trị tài sản bị trộm cắp, cùng các yếu tố khác, để quyết định mức hình phạt đối với người phạm tội.

Chưa kể, khoản 3 điều 51 bộ luật Hình sự nêu rõ: các tình tiết giảm nhẹ đã được bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Đối chiếu với quy định tại điều 173, giá trị tài sản bị trộm cắp đã được sử dụng làm dấu hiệu định tội và định khung, việc tiếp tục sử dụng để áp dụng làm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là không phù hợp.

Vẫn theo luật sư Tuyến, bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định khá đầy đủ, toàn diện và chi tiết về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; quá trình áp dụng luật trong thực tiễn về cơ bản không gây ra những cách hiểu khác nhau hoặc gây ra những nhầm lẫn, gây tranh cãi hoặc tùy tiện.

Vì vậy, luật sư cho rằng, không nhất thiết phải có thêm những hướng dẫn quá chi tiết, quá cụ thể. Điều này đôi khi sẽ gây ra những cứng nhắc, máy móc, thiếu đi sự nhân văn trong một số trường hợp cụ thể hoặc làm giảm tính dự liệu của luật pháp.

"Thay vào đó hãy để "dư địa" cho hội đồng xét xử chủ động xem xét, quyết định dựa trên tính chất, mức độ của hành vi phạm tội cũng như nguyên nhân, bối cảnh, hoàn cảnh phạm tội cụ thể...", luật sư Tuyến phân tích.

Trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 5 triệu, được coi là tình tiết giảm nhẹ?- Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

NVCC

Tòa án có thể linh hoạt tùy vào từng vụ án

Ở góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) ủng hộ việc xây dựng nghị quyết hướng dẫn áp dụng các điều luật của bộ luật Hình sự.

Riêng với hành vi "trộm cắp tài sản nhưng chỉ lấy được 5 triệu đồng", ngoài việc áp dụng tình tiết "phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn" như dự thảo hướng dẫn của TAND tối cao, luật sư Hùng cho rằng có thể xem xét áp dụng theo tình tiết giảm nhẹ "phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng".

Giống luật sư Hùng, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, đề xuất như dự thảo là hợp lý, vì dựa trên nguyên tắc có lợi cho người phạm tội. Tuy vậy, việc TAND tối cao đưa ra mức "chỉ lấy được 5 triệu đồng" liệu có tạo ra sự cứng nhắc, rập khuôn? Tại sao lại là 5 triệu đồng, nếu dưới hoặc trên 5 triệu đồng thì có được hưởng tình tiết giảm nhẹ hay không?

Về vấn đề này, luật sư Hùng cho rằng, TAND tối cao chỉ đưa ra các ví dụ để cụ thể hóa tinh thần của điều luật, tinh thần của nghị quyết hướng dẫn, không có nghĩa là luật hóa hoặc bó hẹp phạm vi áp dụng.

"Dự thảo đưa ra con số 5 triệu đồng để cho thấy giá trị tài sản như vậy là thiệt hại không lớn đối với hành vi trộm cắp tài sản. Quá trình xét xử, tòa án có thể linh hoạt đánh giá với các mức giá trị tài sản bị trộm cắp khác nhau, tùy vào từng vụ án, bối cảnh cụ thể", luật sư Hùng nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.