Thép cán nóng giá rẻ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam

Mai Phương
Mai Phương
18/05/2024 06:28 GMT+7

Trong khi đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn chờ đợi ý kiến từ cơ quan quản lý thì một lượng lớn sản phẩm này tiếp tục đổ vào VN.

Hàng loạt quốc gia điều tra thép Trung Quốc

Theo dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tháng 4 vừa qua, lượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu (NK) vào VN tiếp tục tăng cao, đạt mức 890.000 tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất nội địa. Trong đó, thép cán nóng NK từ Trung Quốc chiếm 71%. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng thép cán nóng nhập khẩu về VN là 3,93 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 159% lượng sản xuất của toàn ngành sản xuất HRC trong nước. 

Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% tổng số lượng NK với 2,9 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2023. Xu hướng sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập vào VN gia tăng đã thể hiện rõ rệt qua từng năm. Cụ thể, nếu như năm 2022 lượng sản phẩm HRC được NK từ Trung Quốc chỉ đạt hơn 3 triệu tấn thì đến năm 2023 con số này đã tăng lên hơn 5,72 triệu tấn, tăng hơn 47%. Số lượng sản phẩm NK đã vượt xa con số sản xuất trong nước.

Đáng chú ý, thép HRC từ Trung Quốc luôn rẻ hơn nhiều so với các quốc gia. Cụ thể, giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc 4 tháng đầu năm luôn thấp hơn giá bình quân các thị trường khác từ 32 - 59 USD/tấn. Nếu so sánh riêng với thép HRC nhập từ Hàn Quốc, thép cán nóng từ Trung Quốc thấp hơn đến 123 USD/tấn.

Việc thép Trung Quốc ồ ạt vào VN khiến thị phần sản phẩm thép cán nóng của 2 doanh nghiệp (DN) sản xuất tại VN là Hòa Phát và Formosa ngày càng sụt giảm. Năm 2022, thị phần thép HRC của 2 đơn vị này đạt 45% trong tổng thị phần trong nước thì bước sang năm 2023 giảm xuống chỉ còn 30%. Trong năm vừa qua, sản xuất của 2 DN nói trên chỉ đạt 73% công suất thiết kế so với mức 86% của năm 2021 do phải cạnh tranh thiếu công bằng với hàng NK bán dưới giá thành.

Sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc lớn hơn nhiều so với sản xuất trong nước là điều phi lý

Sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc lớn hơn nhiều so với sản xuất trong nước là điều phi lý

CTV

Trong khi VN chưa có giải pháp gì để chặn lượng hàng HRC nhập khẩu giá rẻ thì nhiều nước đều áp dụng các chính sách phòng vệ thương mại đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Đơn cử Thái Lan đang điều tra, xem xét mở rộng các biện pháp chống bán phá giá mới với thép cán nóng từ Trung Quốc. Lý do thép NK giá rẻ tràn ngập khiến DN thép xứ sở chùa vàng chỉ sản xuất được 30% công suất, thấp hơn mức trung bình 58% của Đông Nam Á. Theo ông Wirote Rotewatanachai, Chủ tịch Viện Sắt thép Thái Lan, việc để ngành thép Thái Lan thu hẹp sẽ là một vấn đề đối với an ninh quốc gia. Hay Indonesia đã gia hạn áp thuế chống bán phá giá HRC từ Belarus, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Kazakhstan, Nga và Thái Lan…

Từ năm 2010 đến nay trên thế giới đã có 27 vụ việc yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép HRC và tỷ lệ áp thuế là 100%. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Global Trade Alerts, tính đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm thép cán nóng của Trung Quốc và Ấn Độ đã bị khoảng 14 nền kinh tế điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp (với trên 40 vụ việc điều tra). Hầu hết các vụ việc điều tra đều dẫn tới kết luận là có hành vi bán phá giá hoặc được trợ cấp đối với sản phẩm thép xuất khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ với biên độ bán phá giá ở mức cao…

Để thép nhập nhiều hơn sản xuất trong nước là không chấp nhận được

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định, việc thép HRC nhập khẩu ồ ạt tràn vào VN, bỏ xa lượng sản xuất trong nước là hiện tượng phi lý, không thể chấp nhận được. Điều này cần thiết phải được điều tra cụ thể và có giải pháp để chống gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh. Chúng ta đã chứng kiến nhiều sản phẩm thép Trung Quốc NK vào VN đã gây tác động tiêu cực cho sản xuất và thị trường trong nước. Vì thế, không cần đợi đến khi DN có đơn yêu cầu điều tra, mà cơ quan quản lý nhận thấy có dấu hiệu tác động tiêu cực từ sản phẩm NK cũng có thể tiến hành điều tra. Điều này là bảo vệ lợi ích chính đáng cho DN sản xuất trong nước. 

"Hiện tại đã có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh thì cần phải có cuộc điều tra cụ thể. Việc thép HRC từ Trung Quốc vào VN tăng mạnh và giá thấp hơn các nước khác là đủ để cơ quan quản lý mở cuộc điều tra cụ thể. Càng chậm trễ, sản phẩm giá thấp NK càng nhiều sẽ gây nguy hại cho DN. Khi ngành sản xuất trong nước bị thu hẹp, nhiều hệ lụy xảy ra. Trước hết, người lao động bị mất việc làm thì sẽ tác động nặng đến an sinh xã hội. Sau đó, sản xuất của VN khó tự chủ khi bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK… Vì vậy, cơ quan quản lý cần xem xét nhanh chóng vào cuộc khi thép HRC tràn vào VN bất thường", ông Long nhấn mạnh.

Đồng tình, PGS-TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ VN - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), cho rằng thị trường như chiến trường. Doanh nghiệp cần các quyết sách nhanh hơn, phản ánh với biến động của thị trường nhanh nhất. Nếu càng kéo dài và không có giải pháp gì, hàng HRC nhập khẩu giá thấp càng tràn vào VN. Một cuộc điều tra chi tiết, rõ ràng là rất cần thiết để bảo vệ sản xuất thượng nguồn của ngành thép vốn là xương sống của một nền kinh tế. Điều này còn góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân và thúc đẩy kinh tế phát triển. 

"Thép HRC là nguồn nguyên liệu của rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ sản xuất vỏ tàu, vỏ xe ô tô hay đầu vào của hàng loạt ngành sản xuất tiêu dùng. Trước đây khi VN chưa sản xuất được thép cán nóng thì phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn NK. Nếu VN mãi phụ thuộc vào NK nguyên liệu thì sản xuất trong nước cũng không ổn định, không thể phát triển mạnh hơn. Vì thế, cần phải bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Cứ nhìn các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia có sản lượng thấp hơn VN, lượng NK ít hơn sản xuất trong nước cũng đã dùng biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất thép từ thượng nguồn và thấy ngay tầm quan trọng của việc bảo vệ sản xuất trong nước của nhiều quốc gia", ông Tuất nói.

Thép cán nóng giá rẻ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam- Ảnh 2.

Ngày 23.4, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2684 truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái. Trước đó, ngày 14.4, cơ quan này đã có báo cáo, trong đó tóm tắt bài viết trên báo chí về việc lượng NK thép cán nóng (HRC) tăng mạnh lên hơn 9,6 triệu tấn, chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ. Về vấn đề này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng NK thép cán nóng thời gian vừa qua. Chủ động có biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật; bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước nhưng phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.