'Thế hệ XO':

Ba lần nghỉ việc 'vì sự nghiệp XO'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
25/04/2024 06:03 GMT+7

'Hôm nay tôi chính thức tốt nghiệp rồi', anh Lê Kinh Thi viết trên Facebook cá nhân, ngày con trai út vào ĐH và con gái lớn đã đi làm. 22 năm 'sự nghiệp XO' của người cha đã đến ngày kết thúc, từ giã những ngày điện thoại liên tục thông báo lịch trình đưa đón các con chặng tiếp theo.

Anh Lê Kinh Thi (53 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM), hiện là người làm việc tự do trong nhiều lĩnh vực, kể lại nhiều câu chuyện buồn vui trong 22 năm làm XO của mình (cách các bậc phụ huynh đặt cho công việc đưa đón con đi học hằng ngày, viết tắt của từ "xe ôm" - NV). Trong đó có tới 3 lần anh xin nghỉ việc, 2 lần thì nghỉ một thời gian, xong lại quay trở lại làm việc và lần thứ ba thì nghỉ thật.

"Khi tôi nói lý do nghỉ việc vì không thể toàn tâm toàn ý cho cả việc đưa đón các con đi học và công việc cơ quan thì không ai tin. Nhưng sự thật là như vậy. Tôi có 2 con, giờ giấc đưa đi, đón về, chở tới lớp học thêm của các con khác nhau, rồi cứ tới giờ phải đi đón con mà công việc chưa xong, sếp thì không nói gì nhưng tôi không thể nào cứ lấy thời gian làm việc chung để vào việc riêng", anh Thi nêu lý do.

'THUỘC' TỪNG CÁI Ổ GÀ

"Sự nghiệp XO" của anh Thi bắt đầu từ ngày con gái lớn vào mẫu giáo và rồi, bé thứ hai chào đời, nối gót chị đến trường.

Dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, các XO đều cần mẫn đưa đón con mình (ảnh minh họa)

Dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, các XO đều cần mẫn đưa đón con mình (ảnh minh họa)

NHẬT THỊNH

Vì sao suốt 22 năm anh Thi đều là XO chủ lực trong gia đình, rất hiếm hoi vợ anh mới phải đưa rước các con thay chồng? Anh đáp: "Vợ tôi làm việc trong một ngân hàng, giờ giấc khó linh động. Nhưng đó không phải lý do chính, mà là tôi thấy vợ chạy xe máy, xử lý các thứ trên đường không an toàn như mình nên tôi chọn làm XO cho yên tâm". Khi các con vào tiểu học, đặc biệt là THCS và THPT, ông bố XO bận túi bụi vì các con không chỉ học trên trường, mà còn tham gia nhiều lớp học thêm bên ngoài, từ các môn toán, lý, hóa, sinh, tiếng Anh, ngữ văn… tới ngoại khóa.

Suốt 22 năm đưa đón các con, XO thế hệ 7X thuộc lòng từng cái ổ gà, khúc cua, đoạn đường có nắp cống hư, đường nào hay kẹt lúc 6 giờ rưỡi sáng, hẻm nào thông thoáng lúc 4 giờ rưỡi chiều… Khi các con học THPT, những ca học thêm buổi tối thường kết thúc lúc 21 giờ 30, mấy cha con trở về nhà có khi đã 22 giờ.

Anh Lê Kinh Thi có những bí kíp riêng để đảm bảo các con không bao giờ muộn học như khả năng tính toán giờ giấc chính xác, di chuyển từ điểm này tới điểm kia mất bao nhiêu phút. Hay trời mưa, nếu lỡ có chống chân mà bị nước cuốn trôi mất một chiếc dép, anh cũng len lén giấu con, sợ con thấy cảnh đó thì lại thương ba. Anh Thi hiếm khi để các con phải đợi lâu lúc tan học, bởi sợ các con gặp nguy hiểm trong lúc đứng đợi ngoài đường. Đặc biệt tâm lý đứa trẻ lúc chờ đợi người thân đến thường hoang mang, thấp thỏm.

"Những ngày nắng gay gắt mà cổng trường thường chỉ có mấy bóng cây râm mát, XO nào tới sớm sẽ có được vị trí đẹp, do đó tôi cũng phải "căn" đến trước mấy phút để "xí" chỗ mát. Có những chuyện thú vị như ở cổng trường luôn có những chỗ như là "vé tháng" của các XO, ông A sẽ luôn dựng xe ở chỗ này, chị B sẽ luôn đứng ở kia và dù có bịt kín mặt thì XO nào cũng nhận ra người quen. Hay là trên đường đi học thêm buổi chiều, tôi sẽ mua cho các con ổ bánh mì, hộp xôi để con ngồi sau xe ăn. Tới khúc có đèn đỏ, mấy XO đều xa lạ nhưng quay sang trái, sang phải, thấy XO nào cũng chở đứa nhỏ đang gặm bánh mì là hiểu liền, mọi người cười với nhau như đã thân quen lắm", anh Thi kể.

Ba lần nghỉ việc 'vì sự nghiệp XO'- Ảnh 2.

Một phụ huynh bắt đầu "sự nghiệp XO" khi con vào nhà trẻ

ẢNH THÚY HẰNG


NHỮNG BÀI HỌC TRÊN ĐƯỜNG

Nhiều người nghĩ phụ huynh cho con học trường quốc tế thì sẽ chọn dịch vụ xe đưa rước của trường cho tiện, khỏi mất công tốn thời gian đưa đón. Nhưng anh Tuấn Nghĩa, ngụ TP.Thủ Đức (TP.HCM), XO có 3 con, một bé học mẫu giáo, hai bé học tiểu học tại một trường quốc tế ở P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức nằm trong số người nghĩ ngược lại.

"Cả một ngày các con đi học, ba mẹ cũng bận bịu làm việc, tối về thì cơm nước, việc nhà, chẳng còn thời gian ngồi chơi, nói chuyện với con, nên tôi chọn cách ngày nào cũng đưa đón con đi học. Chính trên cung đường này, tôi trò chuyện cùng con, dạy con được nhiều bài học thiết thực", anh Nghĩa chia sẻ. XO này cũng không bao giờ nhờ hàng xóm, người quen sơ sơ đón con, dù bận thế nào vẫn ráng sắp xếp để mình hoặc vợ đưa đón con. Người cha quan niệm việc đưa đón con đi đến nơi, về đến nhà an toàn là trách nhiệm, nghĩa vụ của bậc làm cha mẹ, không thể xem nhẹ, bởi chỉ cần một chút sơ suất thôi, có khi cha mẹ phải hối hận cả đời.

XO 8X cho biết vừa thấy con từ cổng trường, theo sắc mặt của các con, ba mẹ có thể đoán được con đang buồn hay vui, các câu chuyện có thể từ cảm xúc của con, con đang giận bạn gì, con có chuyện gì muốn nói. Câu chuyện giáo dục giới tính, dạy con các kỹ năng chống xâm hại cũng có thể được tâm sự nhỏ to trên đường đến trường, từ trường về nhà.

"Có lần các con hỏi tôi "Sao ba nói ai đi đường cũng phải đội nón bảo hiểm, nhưng cô chú kia và cả em bé cũng không đội?". Vậy là trên đường về, chúng tôi lại cùng trò chuyện với nhau về luật an toàn giao thông đường bộ. Những bài học nhỏ khiến các con nhớ lâu hơn", anh Nghĩa nói.

Mỗi ngày được tận hưởng hành trình đồng hành cùng các con

Các XO có bao giờ được lắng nghe tiếng cảm ơn từ các con - "những hành khách" đặc biệt, luôn được miễn phí và chuyên chở tận tâm suốt mười mấy năm? Với anh Tuấn Nghĩa, đó chính là những cái ôm, những câu nói "con yêu ba" của các con. Còn với anh Kinh Thi: "Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc các con có biết ơn mình hay không. Chỉ biết rằng các con đang khỏe mạnh, hạnh phúc thì tôi thấy rằng mỗi ngày mình đang tận hưởng, tận hưởng cả sự vất vả trong hành trình mỗi ngày được đi chung, được đồng hành với các con mình".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.